20/06/2018
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng. Các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có TP.Cần Thơ, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Năm 2016, ĐBSCL đã chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, nước mặn xâm nhập sâu khiến 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng triệu người dân. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nước biển có thể dâng lên 1 m, làm ngập nhiều khu vực ven biển Việt Nam và gây ngập vĩnh viễn diện tích ĐBSCL.
Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp cấp chiến lược quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án ứng phó với nguồn lực từ Chính phủ, các địa phương, hỗ trợ quốc tế, người dân và doanh nghiệp. Song, để giải quyết hiệu quả vấn đề BĐKH, cần sự tham gia đóp góp của nhiều tổ chức xã hội, thực hiện ở nhiều cấp độ. Đây là trách nhiệm, đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, thách thức về BĐKH với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng sẽ cản trở nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các nước thành viên ASEM cũng chứng kiến những thảm họa siêu thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trận lụt lịch sử ở Ấn Độ, Nam Á năm 2017; những đợt lạnh bất thường ở châu Âu và Trung Quốc hay các đợt nắng nóng kỷ lục ở Ốxtrâylia vào đầu năm 2018. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng phối hợp hành động nhằm ứng phó BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pari về BĐKH là những khuôn khổ toàn cầu, thể hiện tầm nhìn về đổi mới và gắn kết vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 ở U-lan-ba-to năm 2016, các nhà lãnh đạo đã cam kết “cùng hợp tác để triển khai đầy đủ và đúng thời hạn các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pari”. Để biến cam kết thành hành động cụ thể, các thành viên ASEM cần chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy để thông qua Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Pari, nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho mọi thành viên, doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, Hội nghị xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó BĐKH, gắn với phát triển bền vững. Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ để đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó BĐKH cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.
Bên cạnh đó, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững, thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, nghị sỹ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; Đẩy mạnh chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, có khả năng thích ứng trước những bất thường của BĐKH, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển. Đồng thời, các thành viên phát triển trong ASEM có biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức về BĐKH.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, BĐKH được coi là thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Năm 2018 được xác định là năm then chốt hành động ứng phó BĐKH. Đây không phải vấn đề riêng của mỗi quốc gia, mà là vấn đề của toàn cầu. Chính vì thế, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó là cần thiết, là sự vào cuộc của cả nhân loại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề chính: Phát triển trong bối cảnh BĐKH - Gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH - Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; Hành động ứng phó BĐKH: Vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì phát triển bền vững trong tương lai…
Bảo Bình