28/11/2017
PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị Xanh, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội
Phát triển công trình xanh là xu hướng được các quốc gia tiên tiến trên thế giới tiên phong thực hiện. Tại Việt Nam, từ năm 2007, công trình xanh được đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở tiếp thu nhiều nền tảng lý thuyết và công nghệ của thế giới. Việc ra đời những bộ công cụ đánh giá khoa học trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc sẽ giúp cho các kiến trúc “xanh” sẽ có những đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển chung của kinh tế xã hội Việt Nam.
Thiết kế chung cư sinh thái The Interlace (Singapore)
Phát triển công trình xanh trên thế giới và Việt Nam trong giai đoạn vừa qua
Xu hướng công trình xanh được nhen nhóm từ những năm 1990 nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Trải qua hơn hai thập kỷ, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo “Xu hướng công trình xanh thế giới 2016” (Dodge Data & Analytics, 2016), thị trường công trình xanh đang mở rộng tầm ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia mà nổi bật hơn cả là các nước đang phát triển.
Công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời, được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. (Định nghĩa của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam - Vietnam Green Building Council - VGBC, 2011).
Để góp phần thúc đẩy, khuyến khích phát triển công trình xanh và tôn vinh những dự án tiêu biểu, đã có nhiều hệ thống đánh giá công trình xanh được ra đời. Đa số các hệ thống đánh giá đều cố gắng lượng hóa mức độ “xanh” của các công trình thông qua những đóng góp cho môi trường và xã hội như là phần trăm sử dụng nước và năng lượng, chất lượng tiện nghi sử dụng công trình...
Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu công trình xanh tại các nước đang phát triển lan sang các nước phát triển như Việt Nam được xem như một mô hình lý tưởng. Tuy nhiên việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương còn đang là một thách thức lớn.
Công trình xanh đã bắt đầu vào thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Tại Việt Nam, một trong những lý do công trình xanh được quan tâm phát triển, bởi Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng - nơi cư trú của 23% dân số. (Theo dự báo của Ngân hàng thế giới 2009). Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%). Trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá là 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 14%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu (IFC, 2015).
Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang có một số công trình đã được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh như là: LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) của Hội đồng Công trình xanh Mỹ; Green Mark của Hiệp hội Công trình xanh Singapo; LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và Hệ thống Đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của Tổ chức Tài chính quốc tế. Bốn hệ thống tiêu chí đánh giá trên được công nhận bởi Hội đồng Công trình xanh thế giới. Ngoài ra, còn một số bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh khác do các tổ chức địa phương phát triển như là: Bộ CTX (đánh giá thử nghiệm) của Hội Môi trường xây dựng, Bộ tiêu chí Đánh giá công trình xanh nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng của Viện Quy hoạch kiến trúc Việt Nam (2009), Bộ tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư.
Theo thống kê, ngoài công trình Thăng Long No 1 được đánh giá thử nghiệm bằng công cụ CTX và một số khác theo tiêu chí kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư, số lượng công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc theo những bộ công cụ được Hội đồng công trình xanh thế giới công nhận mới chỉ dừng lại ở con số 59 sau gần một thập kỷ triển khai. Con số này thể hiện một nỗ lực to lớn trong việc hiện thực công trình xanh tại Việt Nam. Mặc dù vậy, còn rất khiêm tốn so với hơn 125 công trình đã được chứng nhận tại Malayxia, 500 công trình tại Đài Loan và gần 1.200 công trình xanh tại Singapo (tính đến năm 2014)… Bên cạnh đó, thị trường công trình xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, hiện tượng các công trình tự gắn mác “xanh” và “sinh thái” nhằm mục đích quảng cáo ngày càng nhiều. Những công trình này không có những số liệu để minh chứng cho đóng góp thực chất cho môi trường vã xã hội. Khảo sát những công trình tự gắn mác “xanh” này có thể thấy mới chỉ dừng ở bề nổi bên ngoài, lạm dụng trồng cây xanh lên mặt tiền, lên mái công trình mà thiếu các phương án chăm sóc bảo dưỡng vận hành hợp lý. Một số công trình khác chưa thực sự quan tâm đến sự hợp lý về tổ chức vi khí hậu, tổ chức công năng cho phép tối ưu hóa thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Sử dụng các hình khối thiếu nghiên cứu không phù hợp với các điều kiện văn hóa, xã hội, tự nhiên, môi trường của Việt Nam, thiếu các hiểu biết về bức xạ nhiệt nên các hướng có nhiều cửa sổ quay trực tiếp về hướng nắng chủ đạo gây tốn kém cho công trình. Nhiều công trình tự gắn mác “xanh” đã lạm dụng sử dụng các loại vật liệu, thiết bị đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài có chi phí đầu tư - bảo dưỡng - vận hành lớn hay sử dụng hệ thống vách kính cho mặt tiền công trình có chi phí lớn và gây tốn kém cho điều hòa, thông gió mà thiếu đi giải pháp mang tính tổng thể nhằm giải bài toán kiến trúc đa nghiệm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.
Việc xây dựng và triển khai những bộ công cụ đánh giá khoa học trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc sẽ giúp chấm dứt tình trạng này và giúp cho các kiến trúc “xanh” sẽ có những đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển chung của kinh tế xã hội Việt Nam.
Naman Spa (Đà Nẵng) - Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2016 với các tiêu chí bám sát tiêu chí của xu hướng Kiến trúc xanh
Phát triển công trình xanh Việt Nam từ kinh nghiệm thế giới
Từ kinh nghiệm của các nước đi trước về phát triển công trình xanh có thể thấy: công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu.
Cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…) Sử dụng triêt lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt.
Từ vài năm gần đây, tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tìm ra một hướng đi cho kiến trúc “xanh”. Với khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao, việc phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước. Có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc bộ, vùng núi Tây Bắc bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng gió Lào miền Trùng, vùng ngập lũ Nam bộ… Khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu - Mỹ. Do vậy có thể thấy những công nghệ của các nước phát triển Âu - Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Viêt Nam. Nếu những giải pháp cho khí hậu Âu - Mỹ là sưởi ấm, thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh.
Việt Nam có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Việc lựa chọn những giải pháp phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kiến trúc đô thị. Phát triển công trình xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng vì vậy phát triển công trình xanh cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dụng phù hợp với từng vùng. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rãi, tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.
Công trình xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Công trình xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lực tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản phù hợp với trình độ xây dựng của khu vực, dễ bảo dưỡng đạt được mục tiêu giá thành hợp lý, phù hợp với khả năng thu nhập của người dân địa phương. Những ràng buộc về địa lý đã hình thành các hoàn cảnh của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn, nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa.
Các kinh nghiệm phát triển công trình xanh của thế giới sẽ là bài học bổ ích cho công tác triển khai thực hiện ở Việt Nam. Nhiều công cụ hỗ trợ cho công trình xanh đã được những nước phát triển đề xuất như LCA, PESSS, TRIZ… nên được nghiên cứu tiếp tục áp dụng tại Việt Nam. Hiểu rõ các hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn về công trình xanh trên thế giới với các điều kiện phát triển kinh tế xã hội - tự nhiên có nhiều tương đồng với Việt Nam có thể là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn xây dựng công trình theo hướng xanh và bền vững sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Hai quốc gia láng giềng Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm cho việc phát triển công trình xanh đó là Đài Loan và Singapo. Đài Loan là quốc gia có khí hậu cận nhiệt đới gần giống với khí hậu miền Bắc Việt Nam. Đài Loan cũng là một quốc gia có bề dày triển khai công trình xanh đi vào thực chất rõ nét. Từ Singapo, Việt Nam có thể học hỏi các chính sách về phát triển công trình xanh. Có thể nói Singapo đã rất thành công trong việc triển khai công trình xanh, điều này thể hiện rõ thông qua số lượng các công trình xanh được công nhận trong những năm gần đây.
Về chương trình hành động, từ kinh nghiệm của các nước có bề dày phát triển công trình xanh trên thế giới, cần thực hiện được bốn công việc trọng tâm cho chương trình phát triển công trình xanh ở Việt Nam như sau:
Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng;
Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý;
Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường xanh với các khách hàng xanh;
Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy công trình xanh một cách thực chất;
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, công trình xanh với tư tưởng mới là tiền đề cho hàng loạt kế hoạch hành động cho Việt Nam trong tương lai
Xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan;
Tạo lập môi trường cho công trình xanh thông qua sự cân bằng của kinh tế và môi trường, áp dụng vào các sản phẩm công nghiệp và hoạt động thương mại;
Xây dựng các chương trình đào đạo về công trình xanh từ học sinh, sinh viên và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội;
Xây dựng các chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm hướng tới xanh;
Xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách - thí điểm - lựa chọn hình mẫu chuẩn - áp dụng nhân rộng;
Kết luận
Việt Nam có một bề dày lịch sử chống lại thiên tai, việc nghiên cứu những kinh nghiệm thích ứng khí hậu thông qua các công trình kiến trúc truyền thống, có thể cho ta những giải pháp hiện thực về những công trình xanh trong tương lai như thế nào.
Nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình mở rộng các vùng đô thị như là Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh tạo ra nhiều cơ hội cho việc giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên và lượng khí thải. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của công trình xanh. Bên cạnh đó, công trình xanh rất cần những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan liên quan từ quản lý, giám sát và cả ngành công nghiệp xây dựng.
Trên cơ sở kinh nghiệm “ngoại nhập”, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng.
Nguyên Hằng (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)