20/04/2018
Nhằm giúp các nước khu vực châu Á tăng cường hiểu biết về quy trình thủ tục của GCF và nâng cao năng lực tiếp cận hiệu quả hơn nguồn vốn từ Quỹ GCF, từ ngày 17 - 20/4/2018, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị quốc tế về “Đối thoại chính sách của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) khu vực Châu Á”.
Toàn cảnh Hội nghị
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước tình trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2016. Đến nay, Việt Nam là 1 trong số 10 quốc gia châu Á trong tổng số 33 quốc gia trong khu vực tiếp cận thành công nguồn tài trợ của GCF, với 2 dự án trên tổng số 18 dự án khu vực châu Á đã nhận được tài trợ từ GCF với số vốn tài trợ tiếp nhận là 116,1 triệu USD (chiếm 15% số vốn tài trợ của GCF cho khu vực). Bằng việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần này, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như coi đây là cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản đầu tư của GCF cho các quốc gia trong khu vực.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư TS. Phạm Hoàng Mai đã trình bày về cấu trúc tài chính bền vững cho BĐKH và tăng trưởng xanh, tập trung vào huy động vốn đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, những rủi ro và chi phí trong quá trình thực hiện đầu tư, chu trình thực hiện giải ngân các khoản vay và một số chính sách thúc đẩy tín dụng và đầu tư xanh từ khu vực tư nhân…
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận cụ thể định hướng và các dự án ưu tiên của Việt Nam tiếp cận nguồn lực của GCF, trong đó, đề xuất hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Thích ứng quốc gia (NAP), giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực Tây Nguyên thông qua REDD+, tăng cường quản lý hiệu quả nguồn nước và tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho các hộ nông dân nghèo...
Phạm Đình