Banner trang chủ

Đắk Lắk: Phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu Tăng trưởng xanh

15/06/2017

     Tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Đắk Lắk gồm: điện gió, điện mặt trời, thủy điện, năng lượng sinh khối… Các thế mạnh này đang thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể như từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đón tiếp 6 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát để lập dự án điện gió. Kết quả khảo sát cho thấy: vận tốc gió trung bình tại khu vực huyện Ea H’leo từ 6.5 - 7.5 m/giây/năm. Hiện nay, dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên, giai đoạn 1 công suất 28 MW đang triển khai các hạng mục công trình, dự kiến tháng 3-2018 đưa vào vận hành phát điện; Công ty TNHH đầu tư Egeres -Singapore đang hoàn tất thủ tục triển khai lắp đặt 4 cột đo gió để khảo sát, lập dự án điện gió với công suất 400MW. Theo tính toán của đơn vị tư vấn về lập Quy hoạch điện gió thì tiềm năng phát triển điện gió Đắk Lắk với vận tốc gió trên 6 m/s, tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW. Các khu vực phát triển điện gió gồm Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng và TX. Buôn Hồ.

     Về điện mặt trời, theo thông tin tại Hội thảo giới thiệu bản bức xạ mặt trời, bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời Việt Nam do Tổng cục Năng lượng và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) tổ chức, Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn khoảng 95 GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày. Các khu vực có tiềm năng điện mặt trời tập trung các huyện Ea Súp, Buôn Đôn… Đến thời điểm này, đã có 18 nhà đầu tư đăng ký, nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án với tổng công suất trên 14.000 MW, điển hình như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án Nhà máy năng lượng sạch Rừng Xanh với công suất 1.117 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD; dự án Nhà máy điện mặt trời Long Thành, công suất 250 MW, tổng mức đầu tư 320 triệu USD. Hiện 3 dự án này đang trình hồ sơ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Ngoài ra còn một số dự án điện mặt trời khác đang hoàn thiện hồ sơ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (bìa trái) kiểm tra dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo. Ảnh: M. Thông

 

     Tỉnh Đắk Lắk cũng đã triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực để đấu nối, truyền tải công suất các dự án điện mặt trời. Theo đó tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung đường dây 220 kV mạch kép, dài 70 km vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2017 - 2020; bổ sung đường dây 500 KV mạch kép, dài 30 km, trạm biến áp 500 kV công suất 3x900 MW bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2020 - 2025 để các dự án điện mặt trời đấu nối thuận lợi, truyền tải hết công suất phát điện. Công suất từ các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ được tính toán tiếp nhận hết, thu gom truyền tải lên đường dây 220 KV mạch kép Buôn Kuốp - Krông Búk, đường dây 500 kV Pleiku2 - Chơn Thành. Để thử nghiệm dự án, Công ty cổ phần đầu tư Long Thành Đắk Lắk đã lắp đặt 15 m2 tấm pin mặt trời, công suất 3 kW đặt tại huyện Ea Súp, kết quả khảo sát cho thấy: sản lượng điện trung bình đạt 300 - 350 kWh/tháng; bức xạ trên 1.000 W/m2.

    Bên cạnh đó, với thế mạnh về nông nghiệp, Đắk Lắk có nguồn năng lượng sinh khối rất dồi dào, năng lượng sinh khối từ bã mía khoảng 7,8 triệu tấn, từ cuồng sắn khoảng 2,49 triệu tấn và rác thải đô thị. Hiện đã quy hoạch 8 nhà máy năng lượng sinh khối với tổng công suất khoảng 120 MW kết hợp vừa sản xuất đường tinh luyện, sản xuất tinh bột sắn, xử lý rác thải với đồng phát điện.

     Tiềm năng thủy điện của tỉnh đã được khai thác đáng kể. Hiện nay, có 19 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt trên 820 MW, hằng năm đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3 tỷ KWh/năm.

     Có thể nói, nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khai thác như: phát triển điện mặt trời trên mặt hồ các công trình thủy điện - hiện có 19 hồ thủy điện, công trình thủy lợi - 600 hồ chứa thủy lợi và tiềm năng điện gió còn khoảng 1000 MW, năng lượng sinh khối. Để khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Đắk Lắk rất cần nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đang khuyến khích và sẽ đồng hành với nhà đầu tư từ bước khảo sát, lập dự án, triển khai xây dựng và đến khi dự án đưa vào vận hành; cam kết sẽ thực hiện ưu đãi đầu tư với khung ưu đãi cao nhất, linh động, cụ thể trong từng dự án.

     Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thiết nghĩ cần phải có một số giải pháp như: Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu tỷ lệ nguồn điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể như tỷ lệ nguồn điện mặt trời chiếm khoảng 5% vào năm 2020, 7% vào năm 2025, 10% vào năm 2030 trong cơ cấu nguồn điện.

     Bên cạnh đó, cần xem xét, điều chỉnh giá mua bán điện gió cho phù hợp tình hình thực tế bởi giá mua bán điện hiện nay theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ còn thấp, ở mức 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 US cents/kWh) nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, mức giá mua bán điện mặt trời theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 9.35 Us cents/kWh, đây là mức giá khá phù hợp và hấp dẫn, vì vậy các nhà đầu tư cần huy động mọi nguồn lực, bố trí nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn Đắk Lắk.

 

Nhật Minh (Theo báo Đắk Lắk)

Ý kiến của bạn