03/01/2018
Đan Mạch nằm ở khu vực Bắc Âu, có diện tích hơn 43.000 km2, dân số 5,5 triệu người. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, Đan Mạch đã trải qua thời gian thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Tuy nhiên, nhờ chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, Đan Mạch đã chuyển mình, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.
Với các chính sách hiệu quả, Đan Mạch đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió |
Áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy BVMT, phát triển năng lượng sạch
Với chính sách năng lượng nhất quán và linh hoạt, cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) chủ động, sáng tạo, Đan Mạch đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, góp phần BVMT.
Năm 1979, Đan Mạch đã thông qua Luật về Cung cấp nhiệt và khí thiên nhiên, Luật Trợ cấp năng lượng thay thế, đồng thời, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các hộ gia đình, khuyến khích DN phát triển các giải pháp tăng trưởng xanh. Đan Mạch phấn đấu đến năm 2020, giảm thêm 12% tiêu dùng năng lượng và năm 2050, trở thành nền kinh tế không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Để triển khai kế hoạch trên, Chính phủ và các hiệp hội công nghiệp đại diện cho gần 450 công ty phân phối năng lượng đã ký Thỏa thuận hiệu suất năng lượng. Theo đó, các công ty năng lượng phải tiết kiệm năng lượng trong khâu tiêu thụ cuối cùng, với mục tiêu cụ thể đối với từng ngành. Thêm vào đó, Thỏa thuận còn giúp tạo ra hơn 1.200 DN công nghệ sạch. Hiện Đan Mạch đang thực hiện Thỏa thuận năng lượng thứ hai, với mục tiêu tiết kiệm thêm 2,7 tỷ đô la Mỹ và tăng 1,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư cho các sản phẩm công nghệ sạch.
Năm 2011, Chính phủ Đan Mạch công bố “Chiến lược Năng lượng 2050”, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2050, sẽ không còn phụ thuộc vào than, dầu, khí đốt và giảm đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chiến lược cũng đề ra kế hoạch giảm 33% lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của ngành công nghiệp năng lượng vào năm 2020 so với năm 2009. Đồng thời, trong năm 2020, tăng gấp đôi công suất năng lượng gió lên tổng số là 42% trong tổng công suất sản xuất năng lượng thông qua việc xây dựng các tua bin gió ngoài khơi tại Trang trại gió Kriegers Flak, ven biển và trên mặt đất. Bên cạnh đó, Chiến lược còn khuyến khích việc chuyển đổi sang phát triển điện sinh khối tại các TP lớn, tăng lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả.
Để làm được điều này, Chính phủ Đan Mạch đã phê duyệt nguồn tài chính hỗ trợ phát triển sản xuất khí sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sử dụng khí sinh học trong công nghiệp; thay thế than bằng sinh khối; nghiên cứu xác định vị trí thích hợp để xây dựng thêm các tua bin gió ngoài khơi, công suất 400 MW để hỗ trợ phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo nhỏ, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sóng; tài trợ các dự án trình diễn những máy bơm nhiệt lớn sử dụng cho các nhà máy cấp nhiệt khu vực...
Với những nỗ lực trên, đến nay, Đan Mạch đã trở thành quốc gia có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cung cấp việc làm cho 58.000 người. Có thể nói, ở Đan Mạch, bất cứ thứ gì từ gió, mặt trời, nước… thậm chí đến rác thải cũng có thể biến thành năng lượng.
Ưu tiên phát triển năng lượng gió
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ tua bin gió. Hiện nay, 20% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch là năng lượng gió. Điện gió vừa là nền tảng của sản xuất năng lượng tái tạo, vừa là ngành xuất khẩu then chốt của Đan Mạch.
Copenhagen - Thủ đô của Đan Mạch là một trong những TP xanh nhất thế giới |
Năm 1985, Đan Mạch quyết định xóa bỏ điện hạt nhân trong Chiến lược Phát triển năng lượng, tập trung vào năng lượng thay thế, trong đó, chú trọng xây dựng trang trại gió ngoài khơi (trang trại gió ngoài khơi đầu tiên được xây dựng vào năm 1991). Hiện tại, với 5 trang trại gió ngoài khơi và hơn 300 tua bin gió đã đưa tổng công suất điện gió của Đan Mạch từ tháng 1/2016 đến nay lên tới 5.070 MW. Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió phát triển, ban đầu, Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ 30% vốn đầu tư cho các dự án điện gió, nhưng chính sách này đã không còn hiệu lực vì công nghệ điện gió ngày càng tiến bộ.
Nhờ những chính sách quyết liệt trên, năm 2014, doanh thu của ngành công nghiệp điện gió của Đan Mạch lên đến 12,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,4% so với năm 2013 và xuất khẩu của ngành cũng tăng thêm 16,7%, đạt 8,1 tỷ đô la Mỹ. Ngày cao điểm, Đan Mạch đã sản xuất nhiều điện năng đến mức có thể đáp ứng được tổng nhu cầu của cả nước và xuất khẩu 40% sang các nước khác như Na Uy, Thụy Điển và Đức. Ngoài ra, Đan Mạch còn sản xuất khí biogas tại nhà máy ở Niu-Di-Lân, công suất hàng ngày khoảng 6.000 m3 từ 135 tấn rác thải sinh học…
Sự chuyển đổi thành công của Đan Mạch sang một xã hội các bon thấp là bài học có thể áp dụng cho nhiều nước trên thế giới, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển xã hội một cách bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cũng như phúc lợi xã hội.
Thanh Hà
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017