Banner trang chủ

Ðịnh hướng tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên

05/12/2017

   Nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chuyển dịch, tái cơ cấu ngành kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng đến phát triển bền vững (PTBV), ngày 13/9/2017, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1784/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh (TTX) tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về TTX, hướng đến nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), làm giàu vốn tự nhiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên góp phần, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

   Triển khai Kế hoạch TTX giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

   Hiện nay, tỉnh Phú Yên chưa có số liệu thống kê về phát thải KNK, tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng cao và chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ làm cho nhu cầu sử dụng năng lượng và phát thải KNK tăng mạnh. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra của tỉnh đến năm 2020, giảm cường độ phát thải KNK so với mức phát triển bình thường là 28%, trong đó mức giảm tự nguyện khoảng 17,5%. Đến năm 2025, giảm cường độ phát thải KNK so với mức phát triển bình thường là 46,6%, trong đó mức giảm tự nguyện khoảng 14%.

   Tỉnh xác định, việc hình thành và phát triển cơ cấu “kinh tế xanh” trên cơ sở “xanh hóa” các ngành hiện có, đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị gia tăng lớn, các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2020, duy trì 100% khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% KCN, cụm công nghiệp, 50% làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) đạt yêu cầu; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% các cơ sở áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phấn đấu đưa mức đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ BVMT và làm giàu vốn tự nhiên lên 3 - 4% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

   Trong điều kiện của tỉnh Phú Yên, việc thực hiện “lối sống xanh” cần tập trung vào các nội dung như đô thị hóa nhanh, bền vững; duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn; tạo thói quen tiêu dùng bền vững thông qua việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nước, không khí và vệ sinh môi trường. Để đạt được nội dung trên, cần xác định đến năm 2020 là trên 65% số xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí Nông thôn mới; 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% CTR đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, hoặc sản xuất phân bón; 70% CTR nông thôn được thu gom, trong đó 50% được tái sử dụng, tái chế, hoặc được tái sản xuất làm phân bón; 70% tổng lượng chất thải nguy hại tại các KCN được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; giảm 85% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ dân sinh so với năm 2010; 80% dân cư hiểu biết, có kiến thức cơ bản về ứng phó, thích ứng với BĐKH; 100% đô thị có diện tích cây xanh đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%; bảo đảm 90% tổng số dân đô thị được sử dụng nước sạch, 100% hộ dân nông thôn cơ bản được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Xanh hóa đô thị và cải thiện môi trường đang được tỉnh Phú Yên nỗ lực triển khai 

   Những định hướng và nhóm giải pháp chủ yếu của Kế hoạch TTX

   Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động TTX, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp:

   Tăng cường năng lực và thể chế: Rà soát nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành của tỉnh, nhằm phát hiện những điểm chưa phù hợp với các mục tiêu TTX và điều chỉnh, bổ sung; Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực (trong nước và quốc tế) cho PTBV và TTX giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực cho TTX, chú trọng liên kết phát triển khoa học, công nghệ; Xây dựng các tiêu chí khung, hoặc phương án theo dõi, đánh giá và báo cáo thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động TTX của tỉnh; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được các mục tiêu TTX và PTBV.

   Nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt ở cấp huyện và xã về PTBV, ứng phó với BĐKH và TTX; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về TTX, BVMT, thích ứng với BĐKH; Nghiên cứu, thiết kế và lồng ghép các nội dung về TTX, công nghệ xanh, khai thác tài nguyên bền vững... vào chương trình giảng dạy phù hợp.

   Giảm cường độ phát thải KNK: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng phương pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước, tiết kiệm điện năng để giảm phát thải KNK trong ngành nông nghiệp; Đẩy mạnh trồng mới và phát triển rừng, tăng diện tích rừng để mở rộng bể hấp thụ các bon, thay thế diện tích rừng bị mất do quá trình khai thác và phát triển kinh tế; Đảm bảo việc xây dựng cơ sở hạ tầng không gây ảnh hưởng lớn đến các khu bảo tồn tự nhiên trọng yếu, không tác động tiêu cực tới các loài động, thực vật đang bị đe dọa; Xây dựng các hồ nước sử dụng đa mục tiêu, vừa cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

   Đối với công nghiệp và năng lượng, thực hiện hiện đại hóa công nghệ để giảm tiêu thụ nhiên liệu, tài nguyên (áp dụng các công nghệ các bon thấp trong các ngành công nghiệp trọng điểm, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng các máy móc chạy điện, tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học nhằm giảm phát thải KNK); Tăng nguồn cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển KT - XH của tỉnh, với ưu tiên đầu tư cho các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, cải tạo và nâng cấp lưới điện hiện có để đáp ứng yêu cầu tích hợp nguồn điện tái tạo, từng bước nâng cấp chất lượng lưới điện nhằm giảm tổn thất điện; Khuyến khích các cơ sở thương mại và dịch vụ áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, đầu tư và đưa vào sử dụng các xe buýt xanh chạy điện phục vụ du lịch.

   Xanh hóa sản xuất: Hạn chế và giảm dần những ngành, hoặc những hoạt động kinh tế làm phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển các ngành sản xuất ít tác động đến môi trường và tài nguyên; Áp dụng các biện pháp, hoặc thay đổi quy trình, thiết bị sản xuất, nhằm giảm khí thải, nước thải và chất thải nguy hại; Thay thế các nguyên, vật liệu độc hại, hoặc không có khả năng tái chế bằng các nguyên, vật liệu ít độc hại hơn, hoặc có thể tái chế; Sử dụng công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến nông - lâm - thủy sản, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Khuyến khích các doanh nghiệp lập kế hoạch và thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải, hỗ trợ các dự án đầu tư vào công nghệ tái chế, tái sử dụng các phế phẩm từ nông nghiệp, hoặc khai khoáng; Xây dựng kế hoạch quản lý cung cấp nước bền vững cho các ngành, bao gồm cả các nội dung về tái sử dụng, tái chế và xử lý nước đã qua sử dụng; Triển khai các hoạt động thúc đẩy tiết kiệm nước, bảo vệ tốt hơn các nguồn nước hiện có (nước mặt, nước ngầm).

   Quản lý quá trình công nghiệp hóa theo hướng bảo tồn tài sản thiên nhiên và phục hồi tự nhiên: Khoanh vùng đất để giảm thiểu các khu dân cư vùng ven các con sông và những nơi dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc áp dụng các cơ chế tái định cư thích hợp; Kiểm soát lũ và điều tiết việc sử dụng nước trong thời kỳ có các chế độ thủy văn khác nhau, nâng cấp và mở rộng hệ thống thủy lợi hiện có; Lồng ghép các nhu cầu ứng phó với BĐKH vào chương trình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; Cải tiến phương thức canh tác, áp dụng giống cây có khả năng chịu mặn và khả năng chống chịu lũ lụt cao.

   Đồng thời, xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tăng khả năng kết nối trong tỉnh và các vùng lân cận; Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm theo các tiêu chuẩn bền vững.

   Xanh hóa lối sống: Thực hiện “lối sống xanh” là cải thiện và làm cho đời sống của con người ngày càng hòa hợp hơn với môi trường tự nhiên. Ở tầm quốc gia và các tỉnh, TP, “lối sống xanh” được thể hiện qua việc bảo đảm tiêu dùng bền vững, thu gom và xử lý nước thải, CTR, bảo đảm giao thông an toàn, xanh hóa đô thị và cải thiện môi trường.

   Để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tỉnh cần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các hành vi và cách thức sản xuất, tiêu dùng có lợi cho môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến vệ sinh, quản lý và xử lý nước thải, CTR; Tăng cường giáo dục về tầm quan trọng của việc giảm thiểu chất thải và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

   Bên cạnh đó, cần tăng khả năng tiếp cận các nguồn nước sạch, hoặc nước hợp vệ sinh, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng; Mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật tại các khu vực đô thị, KCN, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý và đời sống - xã hội.

ThS. Huỳnh Huy Việt

Sở TN&MT Phú Yên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn