Banner trang chủ

Vườn Quốc gia Vũ Quang: Từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và tầm vóc của Vườn Di sản ASEAN

28/05/2021

     Với đặc điểm đa dạng sinh học (ĐDSH) cao và các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ là Khu bảo tồn đa mục đích mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái bền vững. Nơi đây nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn. Nhân dịp Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5 và “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2021, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Thái Cảnh Toàn, Phó Giám đốc VQG Vũ Quang về công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH hướng tới phát triển bền vững, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH đối với người dân trên địa bàn.

Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc VQG Vũ Quang

 

PV: VQG Vũ Quang được đánh giá là khu vực có giá trị về ĐDSH và giữ vai trò to lớn trong cộng đồng. Vậy ông có thể cho biết đôi nét về quá trình hình thành phát triển của VQG Vũ Quang?

Ông Thái Cảnh Toàn: VQG Vũ Quang tiền thân là Lâm trường khai thác Vũ Quang, từ những năm 1977 đến 1993 với nhiệm vụ chính là khai thác lâm sản, hàng năm theo chỉ tiêu giao nộp cho nhà nước hàng ngàn mgỗ các loại nhằm tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đến năm 1994 khi chuyển hạng thành Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thì chấm dứt việc khai thác rừng tại khu vực. Với sự giàu có về tiềm năng ĐDSH, đến năm 2002 Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang được chuyển hạng thành VQG Vũ Quang theo Quyết định số 102/QĐ-Ttg ngày 30/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua một thời gian dài bị khai thác, đến nay với sự nỗ lực của công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị, việc trồng mới các diện tích rừng, sự sinh trưởng tự nhiên của rừng, VQG Vũ Quang hiện đóng vai trò là lá phổi xanh, duy trì cân bằng sinh thái và đảm bảo an ninh môi trường khu vực.

    Với tính độc đáo và đa dạng khu hệ động - thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm cũng như tầm quan trọng cho công tác bảo tồn và các tiêu chí liên quan khác, tại Hội nghị Vườn Di Sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 diễn ra tại Pakse, tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào từ ngày 21 đến 24 tháng 10 năm 2019, VQG Vũ Quang được vinh dự nhận danh hiệu là Vườn Di sản ASEAN.

PV: Theo nhiều chuyên gia cho biết “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam” trong những năm qua, công tác nghiên cứu có những phát hiện gì mới đóng góp cho thế giới và Việt Nam?

Ông Thái Cảnh Toàn: Cái tên Vũ Quang được biết đến ở phương Tây bởi nó gắn liền với một trong những cuộc khởi nghĩa chống Pháp sớm nhất và lớn nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, dưới thời Pháp đô hộ, đây đã từng là một Khu bảo tồn. Nhưng có lẽ thế giới chỉ thực sự rung động và Vũ Quang trở thành ngôn từ “đầu mối” của giới bảo tồn quốc tế từ năm 1992, khi các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế phát hiện ra một loài thú lớn mới chưa từng được mô tả trước kia - Sao la Pseudoryx nghetinhensis. Việc khám phá ra loài sơn dương sừng dài này là một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học bởi vì trong suốt 100 năm trước đó, chỉ có 5 loài thú lớn mới được phát hiện trên toàn thế giới. Sự phát hiện ra loài thú họ bò sừng dài này là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của ngành thú học. Nhưng đó không phải là loài thú mới duy nhất, càng không phải là loài sinh vật mới duy nhất được tìm ra ở Vũ Quang. Một đợt khảo sát do Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp – nay là Bộ NN&PTNT) và đội Dự án của WWF Chương trình Đông Dương tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) tiến hành năm 1994 đã phát hiện ra một loài hươu cỡ trung bình. Loài hươu mới này có họ hàng rất gần với loài Mang thường (Muntiacus muntjac) nhưng lại khác hẳn loài mang thường ở nhiều đặc điểm. Loài này được đặt tên là Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) theo tên của vùng đất người ta tìm ra nó là Vũ Quang. Các loài mới tìm được đó đều có phân bố ở một số vùng khác của dãy Trường Sơn nhưng các nhà khoa học phát hiện ra chúng đầu tiên và công bố loài mới đều ở Vũ Quang. Khu vực này có duyên với việc phát hiện loài mới đến mức các nhà báo nước ngoài từng gọi Vũ Quang là “Mỏ loài mới của Việt Nam”.

    Từ đó đến nay có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu khoa học đến với VQG Vũ Quang để điều tra nghiên cứu. Qua các đợt điều tra nghiên cứu từ năm 2015 đến nay có rất nhiều loài động vật, thực vật được phát hiện tại VQG Vũ Quang như: Chà ran tuyến (Homalium glandulosum), Trà mi Vũ Quang (Camellia vuquangensis), Trà mi Hà Tĩnh (Camellia hatinhensis), Dẻ Vũ Quang (Lithocarpus vuquangensis), gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangense),… Gần đây nhất (năm 2021), chúng tôi đã công bố 2 loài mới là Nhái lùn Vũ Quang (Vietnamophryne vuquangensis) và Mộc hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis). Các công trình này đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín của thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Đức…

Đội tuần tra bảo vệ rừng

PV: Năm 2020, VQG Vũ Quang tổ chức đón nhận danh hiệu “Vườn Di sản ASEAN”, từ đó đến nay VQG đã có kế hoạch gì nhằm bảo tồn ĐDSH, phát triển các hệ sinh thái, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn?

Ông Thái Cảnh Toàn: Sau khi tổ chức thành công Lễ đón nhận danh hiệu “Vườn Di sản ASEAN” vào tháng 10/2020, VQG Vũ Quang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo tồn ĐDSH, phát triển các hệ sinh thái, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH đối với người dân trên địa bàn.

    VQG Vũ Quang chủ động kết nối, trực tiếp làm việc với Bộ TN&MT, Bộ NN & PTNN nhằm quảng bá “VQG Vũ Quang - Vườn Di sản ASEAN” đến người dân và các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước biết về tiềm năng ĐDSH và các giá trị cảnh quan của VQG. Việc làm này của VQG nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn của các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế.

    Chủ động kết nối với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước kêu gọi và tạo điều kiện hết sức để thực hiện các cuộc điều tra, nghiên cứu ĐDSH tại VQG. Đồng thời, xây dựng đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia về bảo tồn ĐDSH, phát triển sinh kế vùng đệm để triển khai thực hiện tại VQG.

    Bên cạnh đó, VQG chủ động kêu gọi các nhà đầu tư đủ tầm để thực hiện các dự án đầu tư nhắm phát huy lợi thế, tiềm năng ĐDSH và lợi thế của hồ Ngàn Trươi để phát triển du lịch sinh thái.

    VQG Vũ Quang đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên như: Thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng đệm; Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng; tổ chức trực gác 24/24h tại các khu vực có nguy cơ xẩy ra cháy rừng cao trong mùa nắng nóng…. Những việc làm này đã thu lại nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Từ năm 2019 đến nay trên địa bàn do VQG quản lý không xẩy ra vụ vi phạm nào trong công tác quản lý bảo vệ rừng và không xẩy ra vụ cháy rừng nào; việc săn bắn bẩy bắt động vật hoang dã ngày càng giảm.

    VQG Vũ Quang còn tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân trong việc quản lý động vật hoang dã, từ đó đánh thức ý thức của người dân. Từ năm 2018 đến nay, VQG đã tiếp nhận và chăm sóc hơn 600 cá thể động vật hoang dã từ người dân và các tổ chức giao nộp, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm như Voọc Lào, Cu li bé, các loài khỉ, Vượn đen má trắng, Cò mỏ thìa, Già đẩy Giava, các loài rùa… tiến hành chăm sóc cứu hộ và tái thả chúng vào môi trường tự nhiên.

PV: Những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay và đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng?

Ông Thái Cảnh Toàn: Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng: VQG Vũ Quang được giao quản lý, bảo vệ với diện tích 57.028,1ha rừng tự nhiên, địa bàn trải dài trên 3 huyện miền núi là Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 62km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, địa hình rất phức tạp, hiểm trở nên việc triển khai công tác bảo vệ rừng, tuần tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Lực lượng biên chế cho công tác bảo vệ rừng còn thiếu, một số chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn chưa đảm bảo đã ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo vệ rừng của đơn vị.

Kiểm lâm VQG thả động vật hoang dã về rừng

     VQG Vũ Quang với 27 thôn thuộc 10 xã vùng đệm có dân số đông, điều kiện kinh tế và thu nhập ở mức thấp, nhận thức còn thiếu về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH. Mặc dù việc xâm hại rừng thông qua các hoạt động như khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã có hạn chế nhưng vẫn còn chưa tuyệt đối, các hoạt động khác như khai thác mật ong rừng, lâm sản phụ vẫn đang còn diễn ra.

    Ngoài ra, những năm gần đây, diễn biến thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

    Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH): Trước tiên là nguồn kinh phí dành cho công tác NCKH hàng năm của VQG Vũ Quang còn rất ít, không có nguồn thu, ngân sách hàng năm được cấp chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách tỉnh. Việc tiếp cận các đề tài, dự án từ Trung ương, Bộ và các tổ chức Quốc tế rất hạn chế, vì thiếu sự kết nối, do đó kinh phí hàng năm dành cho công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, đội ngũ làm nghiên cứu khoa học mỏng do thiếu biên chế và còn những hạn chế nhất định trong việc nghiên cứu chuyên sâu. Đó là những khó khăn lớn nhất đối với lĩnh vực NCKH của đơn vị

    Trong bối cảnh việc VQG Vũ Quang hiện là “Vườn di sản ASEAN” gánh vác trách nhiệm là một khu bảo tồn ĐDSH và hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ở khu vực. Các chương trình, dự án đầu tư, nghiên cứu bảo tồn ĐDSH trong thời gian qua và hiện tại rất hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Nhằm phát huy vai trò và giá trị, tiềm năng tại khu vực, chúng tôi mong muốn Bộ NN & PTNT, Bộ TN&MT cùng các Bộ/ngành liên quan quan tâm, định hướng, hỗ trợ ngân sách, cơ chế cũng như phương thức tiếp cận các chương trình dự án trong nước và quốc tế; các trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất đảm bảo để phát huy đúng với vai trò, nhiệm vụ và tầm vóc của Vườn di sản ASEAN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!         

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2021)

 

    VQG Vũ Quang nằm ở phía Tây bắc tỉnh Hà Tĩnh, thuộc huyện Hương Sơn, cách TP. Hà Tĩnh 75km.

  • Phía Bắc: Giáp xã Hương Minh, Thị Trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang và xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn.
  • Phía Nam: Giáp với biên giới Việt Nam – Lào.
  • Phía Đông: Giáp xã Hoà Hải, huyện Hương Khê.
  • Phía Tây:  Giáp xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn.

    Diện tích:

  • VQG Vũ Quang có tổng diện tích là 57.028,1 ha có diện tích rừng đặc dụng có diện tích là 52.731,4 ha. Trong đó:
  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Có diện tích là 31.690,1 ha.
  • Phân khu phục hồi sinh thái: Có diện tích là 20.325,4 ha.
  • Phân khu hành chính dịch vụ: Có diện tích là 715,9 ha.

    Hệ sinh thái:

    VQG Vũ Quang có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Bắc Trường Sơn, tính đa dạng sinh học đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào

  • Rừng kín thường xanh á nhiệt đới chiếm khoảng 20%, loài thực vật đặc trưng là hoàng đàn và pơmu.
  • Còn lại khoảng 80% là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với những loài thực vật bậc cao lim, trầm hương, lát hoa… cùng nhiều loại cây dược liệu quý hiếm.

    Phân chia theo đai cao thành 5 kiểu rừng chính:

  • Ở độ cao 100 - 300m: Rừng kín thường xanh trên đất thấp
  • Độ cao từ 300 - 1.000m: Rừng thường xanh trên núi thấp
  • Ở độ cao từ 1.000 - 1.400m: Rừng thường xanh trung bình.
  • Độ cao 1.400 - 1.900m: Rừng thường xanh trên núi cao.
  • Rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900m.
Ý kiến của bạn