16/11/2017
Ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione và Trưởng Ban TN&MT khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB Christophe Crepin về một số dự án trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng trưởng xanh và định hướng hợp tác hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ, WB rất quan tâm đến các chương trình hỗ trợ về TN&MT cho Việt Nam. Đồng thời mong muốn, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực BĐKH, các hoạt động giám sát, giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và đề ra định hướng hợp tác trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết về ĐBSCL.
Theo Giám đốc Ousmane Dione, để xây dựng thành công những dự án hợp tác của hai phía, bên cạnh những năng lực kỹ thuật bền vững, phải xây dựng được quy hoạch tổng thể có tính chắc chắn và kế hoạch năng lực tài chính dài hạn, đưa ra các vấn đề cần ưu tiên. Các bên liên quan phải luôn kết hợp, điều phối, thảo luận, đưa ra phương pháp tiếp cận, ý tưởng, kinh nghiệm để triển khai và hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Trưởng Ban TN&MT khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB Christophe Crepin cho biết, WB luôn mong muốn là đối tác chiến lược toàn diện của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và khẳng định, thời gian làm việc tại Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ TN&MT rà soát lại từng dự án hợp tác của hai bên để đưa ra những giải pháp hợp lý nhất. Đối với khoản vốn hỗ trợ Bộ TN&MT thực hiện các dự án về lĩnh vực TN&MT, ông Christophe luôn ủng hộ Bộ nhưng trên tinh thần cả hai đưa ra những cam kết, rà soát, thẩm định.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ của WB cho Việt Nam nói chung, Bộ TN&MT nói riêng và hy vọng, WB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bộ, nhằm huy động nguồn lực kinh tế và tìm ra giải pháp đồng bộ thống nhất hướng đến phát triển bền vững.
Trong vấn đề định hướng hợp tác hỗ trợ vùng ĐBSCL, Chính phủ Việt Nam khẳng định tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, tiến tới phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ cần xác định định hướng chiến lược, đồng thời với các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nhằm huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Bộ TN&MT kêu gọi WB, các đối tác phát triển chung tay cùng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL chống chịu với các tác động của BĐKH, tiến tới phát triển bền vững.
Đối với các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước thải ô nhiễm, chủ động ứng phó với BĐKH, Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể dài hạn... Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho các hoạt động trong lĩnh vực TN&MT ngày càng hạn chế, trong khi tác động của BĐKH đến môi trường sống ngày càng gia tăng cả về lượng, loại và chất. Vì vậy, việc huy động, tận dụng các nguồn lực sẵn có của khu vực tư nhân (trong nước và quốc tế) là cần thiết. Bộ TN&MT kêu gọi WB hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực tài chính phù hợp; chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ kỹ thuật, giúp Bộ xây dựng kế hoạch, định hướng cụ thể.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, từ năm 2018 - 2019, Việt Nam sẽ đầu tư hệ thống quan trắc môi trường quốc gia về môi trường, không khí, biển; Tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ chế chính sách để thành lập 3 trung tâm quan trắc và thông tin dữ liệu cho 3 vùng: Phía Nam đặt ở Cần Thơ, miền Trung đặt ở Đà Nẵng và phía Bắc đặt ở Hà Nội, nhằm cung cấp dịch vụ, kết nối và chia sẻ thông tin. Vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn nhận được sự tham gia, giúp đỡ của WB để Dự án được thành công.
Nhật Minh (Theo Monre)