30/09/2019
Ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững (Switch Asia) của Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2019 là xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, ngày 11/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 662/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam cho các mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể là một đề xuất đầy thách thức cần có sự tham gia của toàn xã hội cùng nhau đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể có quan hệ chặt chẽ, không thể chia tách, phản ánh sự cân bằng 3 chiều cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, Mục tiêu thứ 12 về đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững thể hiện rõ sự cân bằng 3 chiều cạnh này.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo
Tại Quyết định, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng, triển khai Khung Chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Với các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và Chương trình Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ EU, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Chương trình, với việc đề xuất các mục tiêu, hoạt động nhằm tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý, hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng, thay đổi hành vi tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Thông qua đó, góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.Trong đó, bản Dự thảo đã đề xuất tập trung vào hoạt động thương mại, phân phối và tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ, từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai 2 Chiến lược, Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và tiêu dùng bền vững trên phạm vi cả nước. Hiện có 47 trung tâm có hoạt động tư vấn, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; gần 500 chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn; 45 tỉnh, TP ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn; khoảng 150 tỷ đồng được dành cho thực hiện các hoạt động sản xuất sạch hơn. Cùng với đó, Bộ đã thành lập Văn phòng về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững; trung tâm sản xuất sạch hơn và có trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững.
Tại Hội thảo, Bộ Công Thương và Switch Asia mong muốn sẽ nhận được các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Bản dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉnh sửa trước khi tham vấn bằng văn bản đến các Bộ, ngành, chuyên gia để hoàn thiện bản Dự thảo và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11/2019. Nếu được phê duyệt trong năm 2019 thì từ năm 2020, Chương trình sẽ tác động trực tiếp đến các tổ chức thương mại, phân phối và người tiêu dùng theo hướng thương mại xanh, tiêu dùng xanh.
Các đại biểu tham dự đã được nghe tham luận về Kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kinh nghiệm quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Nội dung Chương trình giai đoạn 2016 - 2019; Kinh tế tuần hoàn: Những ví dụ thực tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam; Hiện trạng và đề xuất nội dung sản xuất, tiêu dùng đối với các ngành Nông nghiệp, TN&MT. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý cho Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Gia Linh