16/07/2018
Ngày 13/7/2018, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy ban Bùi Thị Thanh làm Trưởng đoàn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác khoáng sản, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) từ năm 2014 đến nay.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết, bên cạnh việc nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản, BVMT và ứng phó với BĐKH từ năm 2014 đến nay, Đoàn giám sát cũng mong muốn hai bên sẽ trao đổi về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực do Bộ TN&MT quản lý để phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả hoặc đề xuất sửa đổi chủ trương, chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, từ năm 2014 đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH như: Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản…
Nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách trên, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. Từ đó, hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện với các Luật: Khoáng sản năm 2010, BVMT năm 2014, Khí tượng thủy văn năm 2015 cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường, BĐKH đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao ý thức BVMT cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức bộ máy của Bộ, ngành cũng được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; tăng cường sự gắn kết giữa các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác thanh, kiểm tra được Bộ quan tâm chỉ đạo, số lượng các đơn vị được thanh, kiểm tra tăng dần theo từng năm, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế trong quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường ở địa phương, sai phạm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản và BVMT để kiến nghị xử lý kịp thời, đúng luật.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về một số tồn tại, thách thức trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, BVMT, BĐKH như: quản lý chất thải rắn; xử lý rác thải nhựa trên đất liền và trên biển; nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; khai thác khoáng sản trái phép; sạt lở bờ sông, bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long do hoạt động khai thác khoáng sản và BĐKH; quan trắc môi trường; chi phí cho hoạt động BVMT còn thấp...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, BVMT liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực và Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chung về vấn đề này. Vì vậy, để tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong các vấn đề giao thoa, Bộ đã ký kết nhiều chương trình phối hợp với các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Xây dựng... cùng thống nhất xử lý các vấn đề môi trường liên quan đến hai Bộ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang được dư luận xã hội quan tâm, Bộ đang đề xuất Đề án quản lý rác thải nhựa và túi ni lông, nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền về hạn chế rác thải nhựa; có chính sách ưu đãi sản xuất nhựa, túi ni lông thân thiện môi trường; tăng các mức thuế đối với nhựa, túi ni lông khó phân hủy... với lộ trình cụ thể để giảm dần rác thải nhựa.
Đối với vấn đề nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng, đây là vừa là vấn đề trước mắt vừa là vấn đề lâu dài. Hiện nay, chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để sản xuất với công nghệ đáp ứng yêu cầu BVMT và phải đủ điều kiện kho bãi chứa phế liệu. Ngoài ra, để được thông quan thì các lô hàng phế liệu cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Về lâu dài, Việt Nam sẽ phải kiểm soát, rút gọn danh mục các phế liệu được nhập khẩu và có lộ trình để doanh nghiệp thu mua cả phế liệu trong nước để sản xuất.
Liên quan đến việc sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do khai thác cát sỏi lòng sông trái phép và ảnh hưởng của BĐKH, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cấm hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trái phép. Đồng thời, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH, trong đó đưa ra nhiều giải pháp tổng thể để phát triển sinh kế bền vững.
Về quan trắc môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí xây dựng, duy trì và bảo dưỡng trạm quan trắc môi trường còn hạn chế. Sắp tới, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ lắp đặt thêm nhiều trạm đo chất lượng không khí.
Đoàn giám sát đã tiếp thu các ý kiến phản ánh về khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khai thác khoáng sản, BVMT và ứng phó với BĐKH để có thêm thông tin thực hiện giám sát tình hình thi hành pháp luật tại địa phương. Trên cơ sở đó, có kế hoạch phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Trần Tân (Theo Monre)