09/05/2019
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ về thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, sáng ngày 8/5/2019, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn". Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo, cùng tham dự có đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ; Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Xây dựng, NN&PTNT; Tài chính; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện UBND, Sở TN&MT, Sở Xây dựng các tỉnh, thành trên cả nước; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản; Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc; các viện, cơ quan nghiên cứu và các trường đại học; chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh môi trường trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp, cơ sở xử lý chất thải.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong thời gian qua, sự bùng nổ dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm tăng lượng phát sinh CTR, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam. Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Trước thực trạng trên, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Hội thảo là một trong các hoạt động mà Bộ TN&MT thực hiện nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề chính như: Đánh giá tồn tại, hạn chế trong các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về CTR hiện nay, đặc biệt là quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành, địa phương; Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các địa phương trong công tác quản lý CTR, đồng thời cho ý kiến góp ý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của UBND các cấp; Góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật để bảo đảm phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội thảo về tình hình rà soát các văn bản pháp luật và đề xuất phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Luật BVMT quy định Bộ TN&MT được giao chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung; các Bộ: Xây dựng, Y tế và GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý. Trách nhiệm cụ thể của từng bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật (Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP) có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều Bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện. Cùng với đó, trong thẩm định, đánh giá xử lý CTR, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đang thống nhất giao Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý môi trường, bao gồm cả thẩm định, đánh giá công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 27 Nghị định 38/2015/NĐ-CP vẫn đang giao trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam cho Bộ KH&CN, Luật BVMT không quy định về vấn đề này. Ngoài ra, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật KH&CN lại giao việc thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư cho ngành KH&CN (Bộ KH&CN và Sở KH&CN).
Trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật, Tổng cục Môi trường đang đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị... từ Sở Xây dựng sang Sở TN&MT để bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục Môi trường cũng đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về CTR của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định các biện pháp để thực hiện chính sách về môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ).
Phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An đồng tình với việc giao quản lý thống nhất về CTR về một đầu mối là Sở TN&MT ở các địa phương. Hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội có 1 phòng và cán bộ chuyên trách về quản lý CTR, nội dung công việc nhiều nên rất khó khăn về nhân lực, trong khi đó Sở TN&MT có hệ thống các phòng ban, đặc biệt có Chi cục BVMT là đơn vị chuyên trách về môi trường, do vậy việc giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về CTR nhằm đảm bảo quản lý tốt về môi trường trên địa bàn. Đồng thời đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ, nhằm thực hiện hiệu quả Luật BVMT...
Toàn cảnh Hội thảo
TS. Michael Parsons, cố vấn chính sách của Bộ TN&MT chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về CTR ở Thái Lan, Nhật Bản, Australia… Ông cho rằng, để quản lý tốt CTR thì các nhà quản lý phải có vai trò tiên phong, chủ đạo, có các hành động, chiến lược cụ thể; có các chính sách hạn chế các vật liệu có hại tới môi trường, yêu cầu trách nhiệm cao hơn nữa của các nhà sản xuất, trong đó có chính sách về thải bỏ, tái chế, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe báo cáo: Thực trạng công tác xây dựng định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTR và công tác quy hoạch cơ sở xử lý CTR; Công tác quản lý nhà nước về CTR trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; Phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về CTR (Rà soát các văn bản; các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây Dự án xử lý CTR; quy hoạch quản lý CTR; định mức, đơn giá thu gom xử lý CTR...)...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường: Xây dựng và hoàn thiện nội dung trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về CTR, trong đó giao Bộ TN&MT là đơn vị thống nhất quản lý nhà nước về CTR; Nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT về một số công cụ kinh tế trong quản lý CTR; Tiếp tục nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để thuê tư vấn quốc tế để lập quy hoạch BVMT cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung về quy hoạch về quản lý CTR, đảm bảo xây dựng quy hoạch chất lượng, đạt các yêu cầu, chuẩn mực của quốc tế hiện nay; Xây dựng và hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam báo cáo Bộ TN&MT, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chuẩn bị tốt Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về quản lý CTR do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự kiến tổ chức trong tháng 6/2019.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị tập trung trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt.
“Với sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, tôi tin rằng chúng ta sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập để quản lý hiệu quả CTR, góp phần BVMT và sức khỏe cộng đồng”, Thứ trưởng khẳng định.
Kết quả Hội thảo là cơ sở để Bộ TN&MT tổng hợp, tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý CTR do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, từ đó xây dựng Dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý CTR.
Đỗ Hương