23/09/2019
Ngày 10/9/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo Tăng cường quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp và khởi động Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (WLP).
Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) nhấn mạnh đa dạng sinh học có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững. Bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là sự đa dạng thành phần loài là một trong những mục tiêu trọng tâm của Công ước Đa dạng sinh học. Hiện Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm có 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD, 1994), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR, 1989), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES, 1994), Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD, 1998). Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á (ASEAN-WEN); Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.
Quang cảnh Hội thảo
Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi (2012); Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, trong đó coi tội phạm về ĐVHD là một loại tội phạm nghiêm trọng; Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó Chương Môi trường quy định, các nước cam kết thực thi đầy đủ CITES và có các biện pháp phù hợp để chống buôn bán trái phép các loài hoang dã.
Bên cạnh đó, các nỗ lực cụ thể được ghi nhận bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã; Xây dựng năng lực về quản lý, bảo vệ loài hoang dã; Xây dựng và triển khai các chương trình và mô hình về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm; Bảo tồn loài gắn với hoạt động thành lập và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; Thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã và truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài hoang dã.
Tuy nhiên, những nỗ lực kể trên vẫn chưa đủ để đảo ngược xu thế suy giảm các loài. Theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN Redlist, cập nhật tháng 7/2019), số lượng loài từ mức Sắp bị đe dọa (VU) trở lên phân bố ở Việt Nam là 700 loài. Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật, gia tăng nhiều so với lần đánh giá năm 2007.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường các nỗ lực nhằm bảo vệ các loài nguy cấp rất cần thiết. Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” là một trong các nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu do GEF khởi xướng, thuộc chương trình “Hợp tác toàn cầu về phòng chống tội phạm và bảo tồn các loài ĐVHD vì mục tiêu phát triển bền vững” (GWP) do GEF tài trợ và Ngân hàng Thế giới là cơ quan điều phối; đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển bền vững SDG số 17 của Liên hợp quốc là kêu gọi sự hợp tác giữa chính phủ, khối tư nhân và toàn thể xã hội nhằm giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện và theo kế hoạch sẽ được triển khai từ nay đến năm 2022 nhằm mục tiêu bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên. Dự án mong muốn sẽ xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế. Sự chung tay và hợp tác từ các ban ngành hữu quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, khối tư nhân... trong các hoạt động can thiệp nhằm bảo vệ các loài nguy cấp của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng là một trong các điểm nhấn của Dự án.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
Dự án gồm 4 hợp phần, bao gồm: Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; Tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia và các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp; Tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp; Quản lý, đánh giá và giám sát dự án.
Theo đó, Dự án sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Đa dạng sinh học, các quy định hướng dẫn thực hiện Luật và đề xuất sửa đổi các nội dung quy định về quản lý và bảo tồn loài nguy cấp để phù hợp với tình hình thực tiễn; Rà soát, kiểm kê đánh giá hiện trạng các cơ sở bảo tồn các loài nguy cấp và đề xuất các quy định, giải pháp nhằm tăng cường quản lý và giám sát các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng nội dung Đề án phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học bao gồm phòng chống tội phạm về các loài hoang dã…
Nguyễn Hằng