02/12/2019
Ngày 29/11/2019, tại Ninh Bình, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Nhuệ - sông Đáy tổ chức Phiên họp lần thứ 11 và Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy. Tham dự Phiên họp có Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, cùng 150 đại biểu, gồm Lãnh đạo UBND các tỉnh trong LVS; Lãnh đạo các Sở TN&MT, đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy từ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình sang Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đã điều hành, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và 5 tỉnh/thành phố thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, trọng tâm là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh; kiểm soát, quản lý các nguồn thải trên lưu vực. Ngày 13/8/2019, Ủy ban BVMT LVS Nhệ - sông Đáy đã ban hành Văn bản số 70/UBSNĐ về việc triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, trong đó đã đề nghị UBND các tỉnh thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Rà soát tiến độ và triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được UBND các tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch triển khai Đề án BVMT trên địa bàn các tỉnh; Điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên địa bàn các tỉnh, thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn nước thải trên LVS Nhuệ - sông Đáy; rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ; quản lý và kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỗi địa phương; quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh và đề xuất các dự án, hoặc nhiệm vụ cấp thiết tại địa phương về xử lý chất thải.
Theo Báo cáo của Văn phòng Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, môi trường nước sông Nhuệ - sông Đáy tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Trên sông Nhuệ, chất lượng luôn ở mức thấp, nhiều đoạn sông bị ô nhiễm nặng với giá trị chỉ số chất lượng nước (WQI) < 25, điển hình là đoạn qua địa phận TP. Hà Nội, mức độ ô nhiễm đặc biệt cao vào các tháng mùa khô. Tuy nhiên, đến mùa mưa, lưu lượng dòng chảy lớn, nên nước sông được pha loãng các chất ô nhiễm, chất lượng nước ở mức trung bình. Trên sông Đáy, chất lượng nước tốt hơn so với sông Nhuệ, phần lớn các điểm quan trắc có giá trị WQI > 51, có xu hướng tăng dần theo dòng chảy từ Hà Nội đến Ninh Bình, một số điểm trên địa phận Ninh Bình có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, tại khu vực thượng nguồn sông Đáy - đoạn chảy qua nội thành Hà Nội, nước sông bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn, chỉ sử dụng cho mục đích giao thông thủy. Đối với các sông nội thành Hà Nội: đoạn sông Tô Lịch (điểm Phương Liệt), sông Kim Ngưu (điểm Tựu Liệt) và sông Lừ (điểm Định Công), chất lượng nước luôn ở mức thấp, ô nhiễm nặng, WQI: 16-25. Tại các điểm Nghĩa Đô, Cầu Mới và Cầu Sét, môi trường nước sông ở mức trung bình, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, WQI: 26-50.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước LVS Nhuệ - sông Đáy, thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các tỉnh/thành phố trên toàn lưu vực nghiêm túc triển khai công tác thống kê các nguồn thải vào LVS Nhuệ - sông Đáy. Theo đó, đến nay, 85% các KCN trong lưu vực đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và tuân thủ khá tốt các quy định về BVMT; dưới 30% các CCN đã và đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung (ngoại trừ TP. Hà Nội, có 60% các CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; nước thải làng nghề chưa được thu go, xử lý; nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - sông Đáy chiếm tỷ lệ hơn 65%; 43/45 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 2/45 cơ sở chưa hoàn thành, hoặc đang triển khai xử lý triệt để; 19/27 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để, 8 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy
Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đã đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tổ chức Ủy ban LVS mới, trong đó có tích hợp Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy; xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/8/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT; tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 807/QĐ-TTg ngày 3/7/2018, trong đó có dự án ưu tiên về xử lý nước thải trên LVS Nhuệ - sông Đáy; Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/1/2018; Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 về việc quy định đánh giá khả năng tiếp nhận và đánh giá sức chịu tải của sông, hồ.
Thực hiện Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên LVS Nhuệ - sông Đáy cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, tập trung vào các vấn đề nổi cộm như xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt, giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải rắn công nghiệp... Đồng thời, triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT như: dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tình Hà Nam, Ninh Bình và TP. Hà Nội; xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện; xây dựng Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến tại TP. Hà Nội; khuyến khích các hộ gia đình sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra cống chung đổ ra sông Tô Lịch trên địa bàn TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Tình hình vi phạm pháp luật về BVMT trên LVS Nhuệ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cơ sở, đặc biệt là hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải với phương thức vi phạm có chiều hướng tinh vi và nguy hiểm; Kinh phí cho sự nghiệp môi trường tại các địa phương nhìn chung đều thấp, do đó việc xây dựng các dự án về BVMT còn gặp nhiều khó khăn; Công tác trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường giữa các địa phương, giữa địa phương và Trung ương đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đồng thời, còn thiếu sự phối hợp giữa các Bộ/ngành có liên quan; Công tác thống kê, điều tra nguồn thải chưa được thực hiện thường xuyên ở cấp địa phương; Ý thức của người dân về BVMT LVS chưa cao.
Đánh giá cao công tác chỉ đạo điều phối hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 5 (2019), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể trong nỗ lực giải quyết triệt để ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước LVS Nhuệ - sông Đáy. Để hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 6 (năm 2020) được hiệu quả, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung sau: Kết quả kiểm soát, quản lý nguồn thải, nước thải; các điểm nóng ô nhiễm môi trường liên tỉnh; Đánh giá sức chịu tải và hạn ngạch xả thải vào sông; công tác phối hợp trong giải quyết môi trường, điểm nóng ô nhiễm môi trường LVS liên tỉnh; Đề xuất dự án/nhiệm vụ thiết thực và cấp thiết tại về xử lý chất thải tại 5 tỉnh; Kế hoạch tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn (2008 - 2020); định hướng triển khai trong giai đoạn mới.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã cùng trao đổi, đánh giá kết quả triển khai Đề án BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy nhiệm kỳ 5, phân tích những khó khăn, thách thức; đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy trong thời gian tới. Theo đó, cần kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy lồng ghép vào Ủy ban LVS mới do Bộ TN&MT dự thảo đề xuất đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS tại các địa phường. Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ triển khai thống kê, cập nhật dữ liệu nguồn thải, xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý nguồn nước thải trên LVS, công khai thông tin về nguồn thải trên cổng thông tin môi trường LVS. Bộ Xây dựng chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh trên LVS Nhuệ - sông Đáy đẩy nhanh thực hiện “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030”; “Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên LVS Nhuệ - sông Đáy”. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020; xem xét cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm trên sông Nhuệ - sông Đáy. Các tỉnh/thành phố trong lưu vực cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về BVMT, nhất là trách nhiệm của các chủ nguồn thải, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia BVMT; triển khai các dự án xử lý ở khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường quản lý môi trường nước như quản lý an ninh quốc gia.
Trong khuôn khổ Phiên họp đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy từ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình sang Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Hương Trần