29/11/2019
Để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện Luật BVMT, ngày 27/11/2019, tại Hà Nội, Công ty TNHH Viet-Pro Consunltant phối hợp với Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường) tổ chức Tọa đàm khoa học về “Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường (ÔNMT) bằng tố tụng tại Tòa án”. Tham dự buổi Tọa đàm có TS. Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học và Môi trường; Luật sư TS. Nguyễn Tiến Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Viet-Pro Consultant; đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp cùng nhóm luật sư về dân sự và môi trường…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm TS. Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học và Môi trường cho biết: Bộ Luật Dân sự 2005 và 2015 và Luật BVMT năm 2014 đã có quy định về bồi thường thiệt hại do ÔNMT, cụ thể về nguyên tắc, trách nhiệm, thời hiệu, khởi kiện yêu cầu bồi thường…; Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường, bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra… Theo đó, Nghị định cũng quy định, việc bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của tổ chức, cá nhân do ÔNMT sẽ được thực hiện theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành các vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại do ÔNMT còn nhiều vướng mắc về cơ chế thi hành, quy định khởi kiện, chế tài bồi thường, án phí, chứng cứ thiệt hại… Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội dung bồi thường thiệt hại do ÔNMT trong hệ thống pháp luật về BVMT tại Việt Nam nói chung và Luật BVMT nói riêng.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Theo báo cáo tại buổi Tọa đàm, cho tới nay, trên cả nước có hai vụ dân sự đồi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ÔNMT được Tóa án giải quyết, cụ thể: Vụ thứ nhất, xảy ra vào tháng 9/2015, 11 doanh nghiệp chế biến hải sản hai lần xả thải gây ô nhiễm nước sông Chà Vá, TP. Vũng tàu, gây thiệt hại (cá chết) cho 33 hộ dân nuôi trồng thủy sản; Vụ thứ hai, từ năm 207-2017, 70 hộ dân của thôn 7 xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang kiện Công ty giấy Bắc Hà xả thải gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản. Kết quả, vụ thứ nhất được Tòa án giải quyết hòa giải, còn vụ thứ hai do nguyên đơn (người dân) không chứng minh nguồn nước gây ô nhiễm và thiệt hại về tài sản không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bác quyền khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, từ thực tiễn các bản án dân sự đòi bồi thường thiệt hại do ÔNMT khi thực hiện trên thực tế đều rất khó khăn, do những người dân nghèo không có khả năng về tài chính và nhận thức về các quy định pháp luật môi trường hạn chế vì vậy, cần thiết phải có những khuyến nghị về chính sách để giải quyết bồi thường thiệt hại do ÔNMT cho người dân.
Để bổ sung, hoàn thiện nội dung bồi thường thiệt hại do ÔNMT trong Luật BVMT, luật sư TS. Nguyễn Tiến Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Viet-Pro Consultant kiến nghị: Cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thực thi liên quan đến khởi kiện dân sự về đòi bồi thường thiệt hại do ÔNMT, cụ thể: quy định các tổ chức xã hội được đại diện cho người dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do ÔNMT; đối với tranh chấp có hniều nguyên đơn, yêu cầu cơ quan tố tụng nhập án để thụ lý, xét xử; Trong các vụ án về môi trường, cần quy định nghĩa vụ chứng minh ô nhiễm cho người gây ô nhiễm; chi phí giám định, án phí… cần được hỗ trợ, hay có quy định miễn, giảm cho người dân; quy định về trách nhiệm của UBND xã trong sự hỗ trợ người dân lập biên bản hành vi gây ô nhiễm, tính toán và kê khai các thiệt hại vật chất, sức khỏe… cho người dân; có thể thành lập các Hội đồng hòa giải tranh chấp môi trường tại địa phương, tránh những vụ việc khiếu kiện tập thể, kéo dài…
Châu Loan