Banner trang chủ

Sơn La cần chủ động huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học

11/07/2017

     Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng - Trưởng đoàn công tác của Bộ TN&MT tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La  ngày 11/7/2017 về việc rà soát tình hình thực hiện Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) và kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

     Theo Sở TN&MT Sơn La, tỉnh có các dạng thảm thực vật rất phong phú với 1.796 loài thuộc 204 họ nằm trong 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 61 loài quý hiếm có giá trị khoa học và thực tiễn được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 24 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

     Về động vật, có 1.117 loài côn trùng, thuộc 139 họ, 11 bộ; 329 loài chim thuộc 52 họ của 16 bộ; 141 loài thú thuộc 31 họ, 12 bộ; 72 loài bò sát lưỡng cư trong 16 họ. Về tài nguyên thủy sinh vật có khoảng 89 loài; 147 loài thực vật nước; 79 loài động vật nước… Trong thành phần cá nước ngọt có 9 loài cá quý hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ của IUCN năm 2009.

     Toàn tỉnh hiện có 5 khu bảo tồn thiên nhiên: Copia, Sốp Cộp,  Tà Xùa, Xuân Nha, Mường La; tỉnh đã Quy hoạch khu bảo vệ cảnh quan văn hóa - lịch sử - môi trường khu rừng mang tên Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Phù Yên; Quy hoạch vườn thực vật Chiềng Sinh, TP. Sơn La; Quy hoạch vườn thú, các nhà bảo tàng thiên nhiên, ngân hàng gen…

     Những năm qua, Sơn La đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, thực hiện Luật ĐDSH và kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về môi trường; Củng cố bộ máy các cơ quan quản lý môi trường; Thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT. Đồng thời, kiện toàn 12 Ban chỉ đạo huyện, thành phố; 202 ban chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn; Củng cố, kiện toàn, thành lập 2.789 tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

      Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn, điều tra ĐDSH còn chồng chéo, chưa có cơ quan chuyên môn đầu mối quản lý thống nhất. Các chủ trương, chính sách được ban hành nhưng thiếu công tác kiểm tra của các cấp quản lý nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, sự suy giảm và mất đi nơi sinh cư của các loài thực vật do chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, chuyển mục đích sử dụng đất, khai thác, hủy diệt thủy sản vẫn còn ở mức cao. Một số hệ sinh thái thủy vực, đất ngập nước bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải từ khai khoáng, phân bón trong nông nghiệp, chất thải đô thị…

     Trên cơ sở đó, Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ĐDSH và an toàn sinh học; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ĐDSH; Tăng cường điều tra, nghiên cứu cơ bản về tài nguyên sinh vật, tập trung nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm và các hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm. Cùng với đó, truyền thông, hướng dẫn cộng đồng thay đổi hành vi xâm hại đến ĐDSH; Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm phát hiện, xác định chính xác các sinh vật biến đổi gen, phân tích, đanh giá rủi ro, quản lý an toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen…

     Các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng tình hình hợp tác quốc tế về ĐDSH và thu thập nguồn gen, công tác quản lý, phát triển nguồn gen quý hiếm; Phương thức bảo tồn hiện nay với cây trồng, vật nuôi, định hướng khai thác, phát triển cây dược liệu; Sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý ĐDSH giữa Sở TN&MT và Sở NN&PTNT; Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo tồn ĐDSH…

     Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh Sơn La. Đồng thời yêu cầu địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH. Đặc biệt, Sở TN&MT cần nghiên cứu kỹ các quy định của Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để tham mưu cho UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới.

 

Trần Hương (Theo Monre)

Ý kiến của bạn