27/11/2019
Ngày 26/11/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường (Tổng cục Môi trường) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về đẩy mạnh phối hợp trong công tác truyên truyền về BVMT của các cơ quan báo chí tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thùy - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường cho biết, từ nhiều năm nay, Tổng cục Môi trường đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về BVMT với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào phổ biến pháp luật về BVMT; các vấn đề môi trường nổi cộm, bức xúc, các “điểm nóng” về môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với công tác BVMT.
Ông Trần Phong - Quyền Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam phát biểu tại Hội thảo
Trao đổi về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) - một trong những vấn đề “nóng” hiện nay, ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải cho biết, khối lượng CTRSH trên cả nước phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó lượng CTRSH đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Hiện tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%. Tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 40-55%; tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom CTRSH tại các vùng sâu, vùng xa. Công nghệ xử lý chủ yếu hiện nay (70%) là chôn lấp; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tốn nhiều quỹ đất; Hầu hết công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTRSH thấp, độ ẩm của không khí cao;
Theo ông Trần Phong - Quyền Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, chưa lúc nào mà các vấn đề môi trường được công luận quan tâm đặc biệt như hiện nay, có thể nói không có ngày nào là không có tin tức về môi trường. Hàng ngày, trên tất cả loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát hành, truyền hình và cả mạng xã hội đều có những thông tin liên quan đến môi trường. Truyền thông cần và phải được xem như là một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong cộng đồng từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động BVMT từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất và không những chỉ tự mình tham gia mà còn lôi cuốn những người khác cùng tham gia tạo ra các kết quả có tính đại chúng. Tuy nhiên, trong số rất nhiều thông tin về môi trường hàng ngày thì những tin phản ánh về điểm nóng, về ô nhiễm luôn lấn át những tin về mô hình làm tốt, làm được của công tác BVMT, những giải pháp BVMT hiệu quả cần được nhân rộng.
Toàn cảnh Hội thảo
Vì vậy, các nhà báo phải đổi mới công tác truyền thông, làm sao “cân bằng” được lượng thông tin giữa cái được và cái chưa được trong công tác BVMT đến với bạn đọc. Đây là trách nhiệm không chỉ của những người làm báo, những cơ quan truyền thông mà còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp, chủ động cung cấp thông tin kịp thời. Trước mỗi vấn đề, vụ việc, người người làm báo cần đưa tin đa chiều và cẩn trọng. Khi tiếp cận sự việc, người làm báo cần biết, hiểu về vấn đề đấy, đồng thời có thái độ khách quan, có góc nhìn đa chiều, tổng thể trước khi truyền thông tin đến công chúng.
Đồng tình với quan điểm của ông Trần Phong, Nhà báo Bùi Tiến Dũng, báo Tuổi trẻ chia sẻ, có hai lưu ý đối với báo chí khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong thông tin về môi trường. Thứ nhất, báo chí cần tránh một trong hai thái cực: Gây sự hoảng loạn, không khí tiêu cực, lo lắng sợ sệt và ngược lại tạo sự chủ quan, thờ ơ đối với công chúng về các vấn đề môi trường. Lâu nay, đa phần các cơ quan báo chí chỉ cung cấp thông tin, chất liệu để bạn đọc phán xét, cơ quan chức năng xử lý, điều chỉnh. Tuy nhiên, trong thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay, đặc biệt là báo chí chính thống đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với mạng xã hội thì các cơ quan báo chí cần sớm tiếp cận đến loại hình báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí cần nhận diện, chọn lựa đúng vấn đề “nóng” hiện nay để phản ánh; tham khảo ý kiến của các chuyên gia để giải đáp, hoặc trực tiếp viết bài; các chuyên gia cần tham gia trực tiếp vào quá trình tác nghiệp cùng với phóng viên để tạo nên hiệu quả trong công tác tuyên truyền về BVMT…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về BVMT cũng như những khó khăn trong quá trình khai thác thông tin về môi trường. Trước đó, các phóng viên của các cơ quan báo chí tại TP. Hồ Chí Minh đã được đi khảo sát mô hình doanh nghiệp Xanh - Sạch - Đẹp tại Nhà máy Nestle Trị An (Đồng Nai).
Giáng Hương