27/09/2017
Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/9/2017 tại TP. Cần Thơ. Tại ngày làm việc đầu tiên (26/9), Hội nghị đã tập trung thảo luận vào các phiên họp chuyên đề: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL; Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL.
Đánh giá toàn diện những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với ĐBSCL
Phiên họp chuyên đề tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL được diễn ra chiều ngày 26/9 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Cùng tham dự có các Thứ trưởng Bộ: TN&MT Nguyễn Linh Ngọc; Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh; Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL; Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp chuyên đề chiều ngày 26/9
ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm trước tác động kép của quá trình phát triển nội tại chưa bền vững, BĐKH và các hoạt động từ thượng nguồn, vì vậy, Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên. Bên cạnh đó, phương án, giải pháp phải đảm bảo khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, để huy động được sự tham gia của tất cả các bên; Đưa ra biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo đảm cuộc sống của người dân trong vùng. Đồng thời, thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh của BĐKH.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để đạt được mục tiêu chung của Hội nghị, trước hết, phiên họp tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL phải đánh giá được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế tự nhiên, bao gồm đất, nước, thiên nhiên, khí hậu, con người… đồng thời đánh giá được những thách thức đặt ra đối với khu vực, từ đó đề ra chiến lược, sách lược, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển ĐSBCL; Định hướng chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng tại ĐBSCL; Định hướng thuỷ lợi phát triển bền vững thích ứng với BĐKH; Các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững tại ĐBSCL; Thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL và các giải pháp ứng phó, cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại ĐBSCL; Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL…
Suy giảm mực nước dưới đất và những nỗi lo về biến đổi khí hậu
Tại phiên chuyên đề sáng ngày 26/9, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, căn cứ vào chuỗi số liệu từ năm 1996 - 2016, dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm: Tổng dòng chảy mùa lũ trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,87 tỷ m3 (tương ứng khoảng 120 m3/s), trong đó lượng giảm trên nhánh sông Tiền chiếm 60%; Tổng lượng dòng chảy mùa lũ của các năm 2010, 2012, 2015 và 2016 nhỏ hơn trung bình nhiều năm (chỉ đạt khoảng 75 - 90% so với TBNN), gây ra sụt giảm lượng trữ nước cho mùa cạn. Tổng dòng chảy mùa cạn cũng có xu thế giảm, trung bình mỗi năm giảm khoảng 0,18 tỷ m3 (tương ứng khoảng 11,7 m3/s); Tổng dòng chảy mùa cạn của các năm 2010, 2013, 2015 và 2016 nhỏ hơn trung bình nhiều năm (chỉ đạt khoảng 75 - 90% so với TBNN), gây ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chủ trì phiên họp chuyên đề sáng ngày 26/9
Kết quả tài liệu quan trắc nước dưới đất do Bộ TN&MT tiến hành từ năm 1995 đến nay cho thấy, mực nước của hầu hết các tầng chứa nước ở ĐBSCL có xu hướng suy giảm với mức độ khác nhau, lớn nhất là 0,93 m/năm, trung bình khoảng 0,2 - 0,4m/năm và có nhiều vùng suy giảm không đáng kể hoặc không suy giảm. Trong đó, các tầng chứa nước có chiều sâu trung bình, lớn và là đối tượng khai thác chủ yếu có mức độ suy giảm lớn hơn các tầng chứa nước nằm nông.
Nguyên nhân là do cấu tạo địa chất của ĐBSCL, nước dưới đất tồn tại trong một cấu trúc dạng “bồn” với nhiều tầng chứa nước xen lẫn các tầng cách nước và thấm nước yếu, có chiều dày tăng dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, tạo nên các tầng chứa nước áp lực (các tầng càng nằm sâu thì áp lực của nước càng lớn). Bên cạnh đó, mức độ khai thác nước ngày càng tăng cả về số lượng công trình, quy mô khai thác, nhất là trong khoảng 15 năm trở lại đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng suy giảm mực nước ngầm trong vùng, đặc biệt là tại các khu vực tập trung công trình khai thác lớn.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã nêu ra những vấn đề đáng lo ngại của ĐBSCL trong thời gian tới, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Giải pháp đề ra là cần dự báo, cập nhật kịp thời và cung cấp các kịch bản ứng phó cho chính quyền, người dân để họ có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với BĐKH. Ngoài ra, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi với BĐKH…
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề nghị Chính phủ hai vấn đề: Cần có giải pháp hình thành các khu rừng ngoài biển, cản dòng nước triều cho các tỉnh ven biển, đặc biệt là lúc triều cường cao với những chính sách và chỉ đạo cụ thể để các Bộ, ngành hỗ trợ địa phương; Hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân và khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm, nhằm hạn chế tình trạng sụt lún đất.
Huy Hoàng (Theo Monre)