20/09/2019
Nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải, ngày 5/9/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi họp với các Bộ: NN&PTNT, Công Thương; đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, cùng các đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sông Bắc Hưng Hải được thiết kế là hệ thống thủy nông với nhiệm vụ chính để trữ nước, tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, được xây dựng cách đây 60 năm, hiện nay đã bị xuống cấp, chế độ thủy văn, mực nước có nhiều thay đổi, làm hạn chế khả năng dẫn nước, dẫn đến tình trạng nước thường xuyên ứ đọng, không lưu thông. Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng tăng, hệ thống sông Bắc Hưng Hải bên cạnh việc tiếp nhận trực tiếp lượng lớn nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các khu đô thị, dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các khu, cụm công nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, làng nghề, còn phải đảm nhận thêm chức năng tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây - TP. Hà Nội; sông Sặt, Cửu An - Hải Dương…).
Toàn cảnh cuộc họp
Tổng hợp số liệu quan trắc mẫu nước sông Bắc Hưng Hải từ năm 2014 đến nay cho thấy, môi trường nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh COD, BOD5, NH4+, NO2-… vượt nhiều lần giá trị giới hạn theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng nhất vào mùa khô (từ tháng 10 - 12) do thời gian này, hệ thống sông Bắc Hưng Hải đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông, dẫn đến tình trạng nước bị ứ đọng, không có dòng chảy.
Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ngăn chặn, xử lý vi phạm xả nước thải, bảo vệ chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải là việc làm khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và nhân dân.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục Môi trường thông tin thêm, năm 2017, Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp các tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải với lưu lượng lớn hơn 200 m3/ngày ra sông Bắc Hưng Hải. Kết quả cho thấy, 29/34 cơ sở (chiếm tỷ lệ 55%) có hành vi vi phạm hành chính về BVMT. Trong đó, 9/19 cơ sở vi phạm có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; 5/19 cơ sở vi phạm quy định về thực hiện không đúng quy định về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; 3/19 cơ sở vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo, các thủ tục môi trường 2/19 cơ sở vi phạm quy định về xây lắp công trình BVMT. Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng cục Môi trường đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 3 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Tại cuộc họp, các Bộ, địa phương đều nhấn mạnh, cần phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi. Đại diện các Bộ, địa phương cũng thống nhất cần thành lập một Tiểu ban BVMT và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, phân công các đơn vị chức năng chuẩn bị quy chế về BVMT chung của địa phương, có quy hoạch tài nguyên nước hệ thống Bắc Hưng Hải; ban hành hệ thống quy chuẩn thủy lợi chung cho các địa phương, trong đó làm rõ việc cấp phép giữa các Bộ và địa phương liên quan.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng kiến nghị:
Bộ NN&PTNT nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu; Triển khai nạo vét, nâng cấp, sủa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác trên sông. Đồng thời, xác định rõ phạm vi, chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ nguồn nước, BVMT đối với các lưu vực sông nói chung và hệ thống sông Bắc Hưng Hải nói riêng nhằm giải quyết được sự chồng chéo trong quản lý.
Về phía địa phương: Cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng nước các nhánh sông trong khu vực trước khi đổ vào sông Bắc Hưng Hải; Khẩn trương đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước mặt đối với thông số lưu lượng và một số thông số ô nhiễm chính tại các điểm xả trên sông; Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề di dời vào các khu, cụm công nghiệp…
Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập một Tiểu ban BVMT và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải; đồng thời cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc địa phương và liên tỉnh; ban hành danh mục tạm thời chưa đầu tư các dự án xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tuyệt đối không quy hoạch các bãi rác dọc hệ thống sông Bắc Hưng Hải; đầu tư ngay trạm bơm ở Xuân Quan để giải quyết nước cho vụ Đông Xuân và Hè Thu…
Phương Linh