20/04/2020
Ngày 17/4/2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT lần này được đưa ra với mục tiêu là hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT. Dự án xây dựng trên quan điểm: Đảm bảo mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT; lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế về BVMT, bảo đảm cùng với kinh tế, xã hội, các yêu cầu BVMT phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững.
Hiện nay, Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước; đăng tải trên các cơ quan truyền thông đại chúng. Ban soạn thảo cũng đã dịch toàn bộ Dự thảo Luật để lấy ý kiến tham vấn của các tổ chức quốc tế. Bộ Tư pháp đã họp và có Báo cáo thẩm định dự án Luật; Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án Luật tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2020. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo đó, Dự thảo Luật bám sát 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, cụ thể gồm: Nhóm chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; Quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT; Công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT; Quản lý chất lượng môi trường; Quản lý cảnh quan thiên nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; Quan trắc thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; Hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề trong báo cáo thẩm tra về: Tính hợp pháp của Luật; sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng bộ của hệ thống pháp luật; việc đánh giá tác động của chính sách có đảm bảo điều kiện để thay đổi từ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BVMT thành Luật BVMT sửa đổi; tính cụ thể, phù hợp của các quy định trong Dự thảo Luật; chất lượng các Dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật; Hồ sơ của dự án Luật (tính đầy đủ, kịp thời, chất lượng của từng loại văn bản trong hồ sơ) đảm bảo theo quy định của pháp luật… Đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí cho rằng, Dự án Luật BVMT (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội Khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT là hết sức cần thiết để đáp ứng kịp thời với xu thế và nhu cầu phát triển hiện tại. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp để góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật lần này, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội và cử tri của cả nước. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội theo quy định pháp luật.
Hồng Nhung