Banner trang chủ

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư để thay thế bếp than tổ ong làm nhiên liệu

02/12/2019

     Ngày 28/11/2019, tại Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ.

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong nhiều năm qua, việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày đã tạo ra chất thải, khí thải độc hại như bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2, tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong những năm qua, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; nghiên cứu, đánh giá tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường; tìm kiếm các giải pháp thay thế than tổ ong đảm bảo an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường; thí điểm sử dụng bếp và nhiên liệu thân thiện với môi trường tại Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Tuy nhiên, đến nay, theo kết quả cập nhật mới nhất của các quận, huyện, số lượng bếp than tổ ong mới giảm được khoảng 59,8% so với năm 2017. Ngày 30/10/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn TP, trong đó giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể lộ trình, giải pháp quản lý, quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ, đảm bảo đến hết ngày 31/12/2020 trên địa bàn TP chấm dứt tình trạng sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất các sáng kiến để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, việc đốt than tổ ong sẽ gây ra tác động liên quan đến các bệnh hô hấp, mắt và tim mạch khi phơi nhiễm bởi bụi mịn PM2.5, tác nhân ung thư PAHs và chất khác đã được nghiên cứu dịch tễ học ở một số nước trên thế giới. Để đảm bảo đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn TP không còn sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt và kinh doanh, TP cần xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định cụ thể lộ trình, giải pháp quản lý, quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ (đối với hộ nghèo); tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thấy rõ tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và đời sống để thay đổi, từ bỏ thói quen, tự giác chuyển sang sử dụng các loại bếp thân thiện với môi trường; thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Tuy nhiên, để việc xóa bỏ bếp than tổ ong đạt mục tiêu theo đúng tiến độ, cần có sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp của TP. Hà Nội, cũng như sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

 

Phương Tâm

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn