Banner trang chủ

Doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

28/06/2019

     Ngày 28/06/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Diễn đàn Môi trường và Con người Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn Việt - Hàn 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp với công tác BVMT trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0”.

     Diễn đàn nhằm nhận diện các cơ hội và thách thức của Cuộc CMCN 4.0 đối với công tác BVMT và phát triển bền vững tại Việt Nam; định hướng BVMT trong sử dụng các công nghệ mới; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường sẵn sàng cho Cuộc CMCN 4.0; trao đổi và học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong các vấn đề liên quan…

     Ngày nay, CMCN 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực môi trường nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật số cũng mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp trong lĩnh vực quản lý môi trường như: tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí, hội họp... Sở dĩ có sự nhân định như vậy là bởi vì công nghệ 4.0 tập trung chủ yếu vào phát triển công nghệ điện tử, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Do đó, có thể ứng dụng các sản phẩm của công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực như: Quan trắc tự động môi trường ở các điểm xả thải, đo tự động mức độ ô nhiễm đối với các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn kết nối mặt đất với vệ tinh… từ đó có hệ thống dữ liệu tốt và chính xác, phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển xanh trong chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; ứng dụng trong quản lý các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học; phát triển nguồn năng lượng sạch thay thế nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ thông minh của CMCN 4.0 làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất…

 

Toàn cảnh Diễn đàn

 

     Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của CMCN 4.0, thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã có những ứng dụng cụ thể vào công tác quản lý, BVMT. Cụ thể: Thực hiện Chính phủ điện tử trong xử lý, điều hành công việc. Hiện nay, Bộ TN&MT nói chung, Tổng cục Môi trường nói riêng đã thực hiện gần như hoàn toàn việc xử lý văn bản, chỉ đạo điều hành, ký số trên môi trường mạng thông qua hồ sơ điện tử; hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy nhờ việc ứng dụng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, góp phần xử lý công việc đạt hiệu quả cao, nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, quản lý và giám sát các nguồn phát thải, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường thông qua việc lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp từ cơ sở về Sở TN&MT, Tổng cục Môi trường; Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường theo hướng số hóa, tích hợp, thống nhất. Tổng cục Môi trường đang thực hiện việc rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu đã được xây dựng để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường mang tính tổng thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để bảo đảm vận hành và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu này.

      Từ kết quả trên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh đưa ra một số định hướng trọng tâm về ứng dụng CMCN 4.0 trong công tác quản lý, BVMT của Tổng cục Môi trường trong thời tian tới, như: Ứng dụng công nghệ 4.0 để giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường thông qua việc đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Tổng cục Môi trường; sử dụng phần mềm xử lý số liệu thông minh, hiện đại; ứng dụng phần mềm kết nối, tích hợp hệ thống quan trắc môi trường tự động thông qua các thiết bị cầm tay, hệ thống vệ tinh, hướng tới đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giám sát, cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường nước, không khí. Bên cạnh đó, thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu về môi trường; tiếp tục chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống chính phủ điện tử, tiến tới thực hiện giải quyết công việc không giấy; thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường trong các dự án đầu tư mới, dự án xử lý chất thải, BVMT; phát triển công nghệ ít phát thải, sản phẩm thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo…

 

Chủ tịch VACNE Nguyễn Ngọc Sinh và Chủ tịch HEF Shim Jae Kon ký kết Bản ghi nhớ

 

     Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe đại diện các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trình bày báo cáo tham luận về vị trí, vai trò, định hướng ứng dụng CMCN 4.0 trong công tác BVMT nói chung, những mô hình, giải pháp cụ thể về ứng dụng CMCN 4.0 trong hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của việc ứng dụng CMCN 4.0 vào công tác BVMT.

     Theo đó, cùng với nhiều lợi ích thì CMCN 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức trong lĩnh vực BVMT như việc nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; thách thức liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng hệ sinh thái vạn vật kết nối (IoT)… Do đó, để bắt kịp xu thế thì ngoài việc nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, cần phải xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và quy chế quản lý; hỗ trợ, huy động các nguồn vốn cho việc ứng dụng CMCN4.0; đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cũng như xây dựng hệ thống thông tin, CSDL môi trường quốc gia…

      Tại Diễn đàn, VACNE và Diễn đàn Môi trường và Con người Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ những hoạt động về tổ chức Diễn đàn thường niên; cung cấp thông tin, tài liệu, đồng biên soạn và phát hành sách, ấn phẩm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến các công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn cho sức khỏe cộng đồng…

     Nhân dịp này, VACNE đã khen tặng 14 tập thể và 2 cá nhân tích cực tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp với công tác BVMT trong Cuộc CMCN 4.0.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn