Banner trang chủ

Chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

15/09/2015

     Trong 2 ngày (7 - 8/12/2013), tại Hải Phòng, Tổng cục Môi trường phối hợp với Viện Công nghệ và kỹ thuật môi trường Hàn Quốc (KEITI) tổ chức Hội thảo Đối thoại về chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện Luật BVMT (sửa đổi). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn đến dự và chủ trì Hội thảo.          Tại Hội thảo, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường đã giới thiệu tổng quan về Dự thảo luật BVMT (sửa đổi); Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội đã trình bày tổng quan ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi); Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế giới thiệu tổng quan về Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc trình bày về Luật môi trường Hàn Quốc và vấn đề thực thi; Chính sách quản lý chất thải của Hàn Quốc.      Theo đó, tại Hàn Quốc, từ năm 1963 đã có Luật ô nhiễm, năm 1977 có Luật BVMT; năm 1980, Hiến pháp sửa đổi công nhận: "Mọi người đều có quyền được sống trong môi trường trong lành, Chính phủ và mọi người cần nỗ lực BVMT". Cho tới nay, Luật BVMT của Hàn Quốc đã được sửa đổi một số lần, hiện có Đạo luật khung về chính sách môi trường và có tới 56 luật chuyên ngành về môi trường.      Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan tới luật BVMT (sửa đổi) của Việt Nam, trên cơ sở tham khảo Luật BVMT Hàn Quốc.Theo ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng thường trực, Bộ Môi trường Hàn Quốc, hiện tại, trong lĩnh vực BVMT, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn so với Hàn Quốc trước đây. Vì vậy, dưới sự Lãnh đạo của các cấp, Việt Nam sẽ thu được nhiều thành tựu trong công cuộc BVMT. Hàn Quốc luôn sẵn sàng giúp Việt Nam trong việc tư vấn xây dựng khung pháp lý và chính sách trong lĩnh vực BVMT.      Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Lê Kế Sơn cho biết, Hội thảo là cơ hội để Việt Nam thu nhận kiến thức và kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Đặc biệt, vấn đề tổ chức kết cấu các Chương, Điều chuyên ngành của luật BVMT (sửa đổi) lần này sẽ là tiền để hình thành các luật chuyên ngành về BVMT trong tương lai; Tư duy trong lĩnh vực BVMT chuyển từ bị động sang chủ động…      Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 19 chương, 160 điều bao gồm các vấn đề chính: những quy định chung; ĐTM; BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; BVMT biển và hải đảo, nước, đất; kế hoạch BVMT; Giấy chứng nhận các hoạt động liên quan đến BVMT; BVMT làng nghề; BVMT trong nhập khẩu phế liệu; Quản lý chất thải, nước thải; xử lý, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm; ứng phó sự cố môi trường; quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường; quan trắc môi trường; thông tin môi trường và báo cáo môi trường; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; quyền và nghĩa vụ của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư; nguồn lực BVMT; Quỹ BVMT, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.      Tại kỳ họp thứ 6, Khóa  XIII, Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo số 5 của Luật BVMT (sửa đổi). Hiện tại, Ban soạn thảo đang hoàn thiện Dự thảo số 6 để trình Quốc hội.   Theo VEA  
Ý kiến của bạn