Banner trang chủ

Cần giải pháp căn cơ để bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trong giai đoạn mới

09/12/2019

     Ngày 6/12/2019, tại Thái Nguyên, Ủy ban BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu tổ chức Phiên họp lần thứ 15 nhiệm kỳ (2019 - 2020). Tham dự Phiên họp có Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến, cùng các đại biểu, gồm Lãnh đạo UBND các tỉnh trong LVS; Lãnh đạo các Sở TN&MT, đại diện các Bộ, ngành liên quan.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, cùng với nỗ lực của tỉnh trên lưu vực, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã triển khai Đề án đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2019 đánh dấu quá trình 13 năm (2006 - 2019) triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu với 5 nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Cầu luân phiên (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương), đây là thời điểm quan trọng, là tiền đề để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, phân tích những khó khăn, hạn chế để tổng kết việc thực hiện Đề án năm 2020 và đề xuất cho giai đoạn sau năm 2020.

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến khẳng định, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý LVS Cầu, Bộ TN&MT, Ủy ban BVMT LVS Cầu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chỉ đạo điều phối giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại nói chung, BVMT sông Cầu nói riêng. Thông qua các phiên họp của Ủy ban BVMT LVS Cầu, các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, tập trung nguồn lực cho công tác BVMT, giữ gìn cảnh quan sinh thái LVS Cầu, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã có sự quan tâm đóng góp nguồn lực phối hợp với các địa phương để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

 

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban BVMT LVS Cầu

 

     Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án của Ủy ban BVMT LVS Cầu, kết quả quan trắc vào tháng 7/2019 của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), tại thượng nguồn LVS Cầu, đoạn sông Cầu chảy qua Bắc Kạn và Thái Nguyên nước sông khá sạch, giá trị chỉ số chất lượng nước (WQI) dao động từ 68 - 92, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tại các điểm quan trắc giáp ranh giữa Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh, chất lượng môi trường nước sông Cầu giảm dần, giá trị WQI dao động từ 35 - 74, nước sông sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác do ảnh hưởng của hoạt động dân sinh. Trên sông Công, chất lượng nước sông tháng 7/2019 khá sạch, WQI dao động từ 75 - 91, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt; sông Ngũ Huyện Khê, chất lượng môi trường nước sông ở mức trung bình, giá trị WQI dao động từ 24 - 39, ô nhiễm vẫn tiếp diễn tại điểm Cầu Đào Xá, Bắc Ninh (WQI=24), do ảnh hưởng của nước thải chưa xử lý của làng nghề giấy Phong Khê, Bắc Ninh.

     Đến nay, hầu hết các KCN tại các tỉnh trên lưu vực đều đã có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung và tuân thủ khá tốt các quy định về BVMT; các CCN cũng đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung, nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ; nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi không được thu gom và xử lý thải ra sông Cầu. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Cầu chiếm tỷ lệ lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 50%), cả 6 tỉnh trên LVS Cầu đều có HTXLNT đô thị và xử lý một phần, còn lại hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và chảy vào sông Cầu.

     Trong năm 2019, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã phối hợp với UBND các tỉnh trên LVS Cầu tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu; thành lập Tổ giám sát công tác BVMT đối với các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê và CCN giấy Phong Khê, qua đó tạo sự chuyển biến nhận thức về BVMT của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ làm việc tại các cơ sở. Nhiều công trình, dự án về xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải… đã được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện, với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

     Đánh giá cao hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu, cùng với sự chung sức phối hợp giữa các Bộ, ngành và 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong năm 2019, với sự quyết tâm cao của Ủy ban và các tỉnh trên lưu vực, việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước LVS Cầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án, còn gặp những khó khăn, hạn chế, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn, các đại biểu cần tập trung thảo luận để tìm ra được những giải pháp thật sự căn cơ mới đáp ứng được sự phát triển trong giai đoạn mới.

     Tại Phiên họp, các đại biểu đã đánh giá những kết quả triển khai Đề án sông Cầu giai đoạn (2006 - 2020); những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị, định hướng bảo vệ LVS Cầu sau khi kết thúc Đề án, giai đoạn sau năm 2020. Theo đó, UBND các tỉnh trên LVS Cầu chỉ đạo rà soát tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS Cầu, đồng thời tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án đến năm 2020 và các kiến nghị trong thời gian tới. Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ/ngành liên quan và các tỉnh thuộc LVS thúc đẩy các chương trình, dự án liên vùng, liên tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường LVS Cầu; giám sát môi trường nước sông Cầu liên tỉnh; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/8/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT… Đối với các Bộ, ngành khác, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án tổng thể LVS tại các địa phương thuộc LVS Cầu; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án năm 2020 tại các Bộ, ngành; Đề xuất kiến nghị, định hướng bảo vệ LVS sau khi kết thúc Đề án - giai đoạn sau 2020.

 

Phương Linh

 

 

 

 

Ý kiến của bạn