Banner trang chủ

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế

05/04/2018

     Ngày 4/4/2018, tại TP. Siêm Riệp (Campuchia), Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia thành viên, nhằm đánh giá lại những kết quả đã đạt được kể từ khi thực hiện Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh (năm 2014) và xem xét Dự thảo Tuyên bố Siêm Riệp để trình các nhà Lãnh đạo Chính phủ thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ ba, Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng của Campuchia - Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế Lim-kin-Ho chủ trì.

     Tham dự Hội nghị có 130 đại biểu là các Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế các quốc gia thành viên; Đại diện các đối tác đối thoại (Trung Quốc, Mianma), Đối tác Phát triển, Ban thư ký ASEAN... Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 2018 Trần Hồng Hà dẫn đầu.

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng của Campuchia - Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế Lim-kin-Hor cho biết, Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế là cơ hội để các quốc gia thành viên tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Hợp tác Mê Công và tái khẳng định tăng cường hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng đối với việc thực hiện các giải pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp, thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, góp phần vào thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc (SDGs).

 


Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

 

     Các đại biểu tham dự Hội nghị ghi nhận những kết quả mà Ủy hội đạt được trong giai đoạn 4 năm từ sau Hội nghị Cấp cao lần thứ hai (năm 2014), đó là hoàn thành nghiên cứu chung về phát triển, quản lý bền vững lưu vực sông Mê Công, gồm cả đánh giá tác động các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công (Nghiên cứu Hội đồng); Nỗ lực hạn chế rủi ro đối với hệ sinh thái trong lưu vực và bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế của người dân, bảo vệ chất lượng nước trước tác động của các hoạt động phát triển; Nhận dạng tác động của biến đổi khí hậu trong toàn lưu vực; Cập nhật, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thực hiện kế hoạch chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020. Ngoài ra, Hội nghị cũng đánh giá cao nỗ lực của Ủy hội trong việc thực hiện các Quy chế sử dụng nước, tăng cường tính tự chủ cua các quốc gia thành viên tham gia trong hợp tác Mê Công. Thành quả của Ủy hội trong việc thực hiện Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh 2014 đã thể hiện quyết tâm của các quốc gia trong cụ thể hóa thực hiện Hiệp định Mê Công 1995; Hoàn thành Nghiên cứu của Hội đồng vào cuối năm 2017; Thông qua Tuyên bố chung về thực hiện Tham vấn đối với Dự án thủy điện Pắc-Beng; Thông qua và triển khai các chiến lược quan trọng như Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Kế hoạch chiến lược của Ủy hội và các chiến lược ngành (Chiến lược quản lý, phát triển thủy sản, Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu). Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, Ủy hội cần tập trung đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020; Hoàn thành các Hướng dẫn kỹ thuật và tiếp tục triển khai kiến nghị của Nghiên cứu Hội đồng. 

     Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chặng đường 23 năm thành lập và phát triển trên nền tảng của Hiệp định Mê Công 1995, Ủy hội sông Mê Công quốc tế không ngừng nỗ lực và đạt được những thành quả quan trọng, trong đó có việc xây dựng các nguyên tắc cơ bản và tầm nhìn chiến lược về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công; Xác định những lĩnh vực hợp tác ưu tiên và quy định cụ thể về những hoạt động phát triển chung trong các lưu vực… góp phần quan trọng vào mục tiêu chung về phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Ủy hội cần nghiên cứu, xem xét để các hoạt động đi vào thực chất, tạo sự kết nối không chỉ về địa lý, điều kiện thiên nhiên, sinh thái môi trường, mà cả về kinh tế, sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước cũng như các tài nguyên có liên quan để cùng phát triển, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, chia sẻ thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn, chuẩn mực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc và Mi-an-ma, thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin số liệu khí tượng thủy văn, vận hành của các công trình thủy điện, tiến tới xây dựng và triển khai các dự án, chương trình hợp tác chung. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều sáng kiến hợp tác vùng như hiện nay, Ủy hội cần tiếp tục tích cực mở rộng quan hệ hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với các cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực …

     Cũng tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã nhất trí trình Dự thảo Tuyên bố Siêm Riệp lên Hội nghị Cấp cao lần thứ ba, Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức vào ngày 5/4/2018.

 

Nam Việt (Theo Monre)

 

Ý kiến của bạn