Banner trang chủ

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm việc tại TP. Đà Nẵng

15/09/2015

     Ngày 25/7/2014, Đoàn công tác của Bộ TN&MT do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.      Tại buổi làm việc, UBND TP.Đà Nẵng đã báo cáo tình hình quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến nay Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BTNMT ngày 29/3/2013 của Bộ TN&MT về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành TN&MT; Gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng TP trong tình hình mới.      Theo ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng đã lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất tổng cho 21 trường hợp với diện tích 529.278 m2. Ban hành Thông báo thu hồi đất đối với 11 trường hợp với tổng diện tích 1.862.008 m2. Thực hiện Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 17/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp TP hoạt động từ ngày 1/8/2012. Đến nay đã ổn định về tổ chức bộ máy và tập trung đầu mối chỉ đạo giải quyết hồ sơ thống nhất về chuyên môn, đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các chi nhánh quận, huyện.   Toàn cảnh buổi làm việc        Thực hiện Nghị quyết số 30/2012/NQ13 của Quốc hội khóa XIII về căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, với tỷ lệ giấy chứng nhận được cấp trên 97%. Từ đầu năm 2014 đến nay, Văn phòng Đăng ký một cấp đã trình cấp mới, cấp đổi, cấp lại 14.192 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất….      Trong lĩnh vực môi trường, công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng thêm 8,5 km mương cống các loại, nâng tổng số mương, cống các loại đang quản lý lên 887 km; Cấp 8 thỏa thuận đấu nối thoát nước. Tổng lưu lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt là 10 triệu m3. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt yêu cầu, các chỉ tiêu như BOD5, COD, Phốt pho tổng, Nitơ tổng, TSS đều đạt tiêu chuẩn cho phép (trừ chỉ tiêu Coliform). Ngoài ra, Đà Nẵng rất chú trọng đến việc thu gom, xử lý rác thải. Tổng khối lượng rác thải thu gom, xử lý ước đạt 125.490 tấn, bình quân 705 tấn/ngày, đạt 49,4 %  kế hoạch. Trong đó, rác thải công nghiệp khoảng 2.225 tấn, bình quân 12,5  tấn/ngày; Rác thải nguy hại ước đạt 286,4  tấn bình quân 1,6 tấn/ngày.      Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý TN&MT, Đà Nẵng kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện. Căn cứ khoản 3, Điều 7, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào Khung giá đất của Chính phủ để xây dựng Bảng giá đất tại địa phương (5 năm một lần). Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa ban hành Khung giá đất. Mặt khác, theo Công văn số 2902/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 9/7/2014 của Bộ TN&MT về việc góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về Khung giá đất. Theo đó, về mức giá đất tối thiểu, tối đa tại các Phụ lục số 9 - đối với giá đất ở đô thị loại I của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (bao gồm TP. Đà Nẵng), được quy định tối thiểu là 1.000.000đ/m2, tối đa 33.000.000đ/m2 là rất thấp so với vùng miền núi và Trung du phía Bắc và Bắc Trung bộ. Do vậy, đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, điều chỉnh tăng theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng tại Công văn số 1233/UBND-KTTH ngày 18/02/2014 (mức tối đa khoảng 90 triệu/m2).      Hiện nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn Đà Nẵng chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia. Theo đó, nguồn nước chảy qua sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, nguồn nước trên sông Cầu Đỏ trong mùa kiệt bị nhiễm mặn nghiêm trọng, cụ thể: Số ngày nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong năm 2012 là 87 ngày; năm 2013 là 184 ngày, độ mặn cao nhất vào ngày 9/4/2013, lên đến 6.961,5 mg/l. Do vậy, phải vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch để cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Việc vận hành trạm bơm tốn nhiều kinh phí, tiềm ẩn nhiều rủi do trong quá trình vận hành và cung cấp nước. Ngoài ra, nước cung cấp cho nông nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng rất lớn của nguồn nước từ thượng lưu lưu vực sông (LVS) Vu Gia - Thu Bồn chảy về.      Do vậy, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TN&MT tham mưu, trình Chính phủ sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên LVS Vu Gia - Thu Bồn trong mùa kiệt. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý LVS Vu Gia - Thu Bồn để điều hành, giám sát hoạt động của các hồ chứa thuỷ điện trong mùa lũ, mùa kiệt, đảm bảo an toàn nguồn nước cho vùng hạ du; Sớm lập quy hoạch LVS Vu Gia - Thu Bồn làm cơ sở cho tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng xây dựng kế hoạch và các phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả…      Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang ghi nhận những bước phát triển vượt bậc của TP. Đà Nẵng và sự quan tâm của lãnh đạo TP đối với công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Bộ trưởng cho rằng, Đà Nẵng cần ban hành các chương trình hành động, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT theo thẩm quyền, cụ thể hóa các Nghị quyết Đảng, pháp luật của Nhà nước.      Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để phù hợp với Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản dưới Luật. Phối hợp chặt chẽ với địa phương khu vực thượng nguồn trong việc đảm bảo cấp nước cho hạ du. Bố trí nguồn vốn và nhân lực, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước cho công tác lập quy hoạch, điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước”.      Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng chỉ đạo, Đà Nẵng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các KCN, CCN; Nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận cam kết BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh thu phí nước thải công nghiệp, phí BVMT đối với chất thải rắn. Phối hợp với Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để khu chất độc hóa học đioxin phía Bắc sân bay Đà Nẵng; Phối hợp các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc rà soát hoạt động khai thác khoáng sản.   Theo Monre
Ý kiến của bạn