Banner trang chủ

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí

20/12/2019

     Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (ÔNMTKK) ở một số địa phương, ngày 19/12/2019, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành về giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

     Gia tăng tình trạng ô nhiễm bụi mịn

     Thời gian qua, tình trạng ÔNMTKK tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn đạt giá trị QCVN 05:2013/BTNMT. Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại trạm quan trắc quốc gia đặt tại 556 - Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội có xu hướng giảm từ năm 2013 - 2017; Từ năm 2018 - 2019 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5  trung bình tháng qua các năm 2013 - 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018. Xu hướng biến động của bụi PM2.5 tại TP. Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Mùa đông, gió mùa Đông Bắc cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí tăng cao. Ngược lại, trong mùa hè, các tỉnh thành phía bắc chịu tác động của gió Tây Nam và Đông Nam, cùng những cơn mưa thường xuyên rửa trôi bụi bẩn trong không khí. Kết quả các tỉnh thành phía Bắc có nồng độ bụi PM2.5 trong mùa hè giảm đi rất nhiều so với mùa đông.

     Trên cơ sở số liệu của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đặt tại các TP cho thấy, trong giai đoạn cuối năm, từ ngày 12/9/2019 đến 15/12/2019, các TP ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24 h của thông số bụi PM2.5 cao hơn các khu vực khác; đã xảy ra một số đợt cao điểm ô nhiễm không khí, trong đó đợt ô nhiễm giữa tháng 12/2019 có mức độ nghiêm trọng nhất.

     Tại Hà Nội, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019 các đợt ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng, liên tiếp trong nhiều ngày giá trị trung bình 24 h của bụi PM2.5 vượt QCVN từ 2 - 3 lần. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 đến 15/12 có đến 32/45 ngày (71%) ghi nhận giá trị trung bình 24 h của bụi PM2.5 tại các trạm ở Hà Nội vượt QCVN; kết quả tính toán AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) ccho thấy, số giờ có chỉ số AQI ở mức kém đến mức rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn (49,34%); Ghi nhận trong 1 vài giờ, AQI giờ ở mức nguy hại (AQI >300) tại trạm Đại sứ quán Pháp và Mỹ. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7 – 8 h) và chiều (18 - 19 h), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13 -14 h) và ban đêm (23 - 1h). Tuy nhiên, trong những ngày xảy ra ô nhiễm không khí thì khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm, do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (lặng gió, độ ẩm thấp kết hợp với nghịch nhiệt). Sau đó, khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng, AQI giảm dần và thường thấp nhất vào khoảng 15 - 18 h.

     Một số nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí là khí thải từ các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại TP. Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TP. Hồ Chí Minh 700 nghìn ô tô, 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

     Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông cũng gây phát sinh bụi do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng).

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

     Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương; Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu  hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải; Việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh cũng gây phát sinh bụi (chỉ tính riêng TP. Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày)…

     Triển khai các giải pháp để kiểm soát môi trường không khí

     Nhận thức được tác hại của ÔNMTKK tới sức khỏe, đời sống của người dân cũng như tới quá trình phát triển bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, BVMT không khí. Ngày 01/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí (CLKK) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm tăng cường công tác quản lý CLKK thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát CLKK xung quanh. Ban hành quy định quản lý CLKK trong Luật BVMT năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý CLKK tại địa phương.

     Để kiểm soát, khắc phục tình trạng ÔNMTKK, Bộ TN&MT đã chỉ đạo triển khai 5 giải pháp như: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về BVMT, đưa các điều khoản sửa đổi về BVMT không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật BVMT năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

     Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.

     Cần đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tauh các khu vực đô thị. Tại các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác.

     Xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn.

     Rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh...

 

Châu Loan

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn