Banner trang chủ

Đẩy mạnh hợp tác chống buôn lậu các chất làm suy giảm tầng ôzôn

27/02/2020

     Ngày 20/2/2020, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin, tăng cường năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn ở Việt Nam.

     Phát biểu tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong việc quản lý các chất HCFC, đặc biệt là việc kiểm soát xuất - nhập khẩu,ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC, đáp ứng nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành Nghị định thư Montreal. Trong khuôn khổ Kế hoạch quản lý, loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn 1 đã thực hiện thành công loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo cam kết đối với Nghị định thư Montreal. Bên cạnh đó, gần 500 cán bộ hải quan được tập huấn về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC, nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất HCFC và bảo vệ tầng ôzôn.

 

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường và Cục trưởng

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh ký kết Biên bản hợp tác

 

     Tuy nhiên, để thực hiện nghĩa vụ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2023 theo cam kết đối với Nghị định thư Montreal, mức tiêu thụ các chất HCFC trong các năm từ 2020 - 2024 cần đảm bảo không quá 2.600 tấn/năm. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan trong việc kiểm soát tiêu thụ các chất HCFC, nhằm trao đổi thông tin, xây dựng chế tài quản lý và triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn giai đoạn tới. Ngoài ra, hai cơ quan sẽ đẩy mạnh phối hợp khảo sát, xây dựng báo cáo số liệu tiêu thụ các chất HFC tgiai đoạn 2020 - 2022 để thực hiện ngưng mức tiêu thụ các chất HFC và tiến hành loại trừ kể từ năm 2024 theo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được Chính phủ phê duyệt. Sự tham gia tích cực, hiệu quả của Cục Điều tra chống buôn lậu góp phần đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động xuất nhập khẩu các chất bị kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, đóng góp vào việc thực hiện thành công các nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.

     Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, để thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết lần này, hai bên sẽ tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo, trao đổi thông tin, tiến tới xây dựng các chuyên đề chung trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu trái phép các chất làm suy giảm tầng ôzôn.

 

Hồng Nhung

 

Ý kiến của bạn