Banner trang chủ

Vườn quốc gia Vũ Quang - 20 năm hình thành và phát triển

07/09/2022

    Ngày 31/7/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021, đây là Giải thưởng cao quý nhất về môi trường, được tổ chức xét tặng 2 năm một lần, nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có đóng góp về công sức, trí tuệ cho sự nghiệp BVMT. Trong lần xét tặng này, Vườn Quốc gia Vũ Quang nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 do Bộ TN&MT trao tặng. Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang chia sẻ: “Giải thưởng lần này đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn, là niềm tự hào không chỉ của tập thể Vườn và cả nhân dân Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Với những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi, giải thưởng thể hiện được tầm quan trọng, giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH) mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vũ Quang, từ đó góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn ĐDSH của người dân trên địa bàn”.

    VQG Vũ Quang được thành lập ngày 30/7/2002 theo Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích được giao quản lý là 57.029,84 ha nằm trên địa bàn của 3 huyện miền núi là Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang.

    VQG Vũ Quang được biết đến là trung tâm có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao bậc nhất của Việt Nam, nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen có giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH cho cả khu vực ASEAN, bên cạnh đó, Vườn còn là khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ 19.

    VQG Vũ Quang đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, ở mỗi thời điểm, Vườn có những chức năng, nhiệm vụ riêng: Sau giải phóng, yêu cầu của nhà nước là thành lập các lâm trường quốc doanh. Trong bối cảnh đó, Lâm trường khai thác Vũ Quang được thành lập vào tháng 7 năm 1977, với vai trò chủ yếu là khai thác lâm sản theo chỉ tiêu hàng năm giao nộp cho nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh hoạt động khai thác lâm sản, thời kỳ này Lâm trường còn triển khai trồng rừng, chế biến lâm sản và xây dựng công trình. Cũng giai đoạn này, Lâm trường đã trồng mới hơn 8.000 ha rừng, hàng ngàn mét đường huyết mạch được xây dựng nối liền mạch giao thông cho các xã trên địa bàn như Hương Quang, Hương Điền, Hương Minh, Hương Thọ...

    Vào những năm thập niên 90, các nhà khoa học của Việt Nam và Quốc tế liên tiếp phát hiện ra 2 loài thú lớn mới chưa từng được mô tả trước đây, đó là loài Sao La và loài Mang lớn. Đây là những phát hiện có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử sinh học, một việc được cho là khó xảy ra trong thế kỷ XX. Việc phát hiện 2 loài thú mới ở cùng một địa điểm khiến cả thế giới biết đến giá trị của VQG Vũ Quang là một khu vực có mức độ ĐDSH rất cao và còn ẩn chứa nhiều bí ẩn với giới khoa học. Để gìn giữ các giá trị đó, nên hoạt động khai thác gỗ tại khu vực chính thức bị cấm kể từ tháng 12 năm 1993 (theo Quyết định số 1584/QĐ-UB ngày 7/12/1993 của UBND tỉnh Hà Tĩnh). Tháng 3/1994, UBND tỉnh Hà Tĩnh Quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang. Ngày 14/6/1994, Ban quản lý “Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang” chính thức được thành lập theo Quyết định số 829/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Tĩnh, với tổng diện tích rừng được giao quản lý là 52.366 ha trên địa bàn hành chính của 2 huyện Hương Sơn và Hương Khê với chức năng là bảo vệ rừng, bảo tồn tính ĐDSH và các giá trị văn hóa lịch sử trực thuộc Sở Lâm nghiệp.

    Ngày 30/7/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang thành VQG Vũ Quang. Với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự ĐDSH đặc trưng của rừng tự nhiên thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào; VQG Vũ Quang còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV. Ngoài ra, còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 cho Lãnh đạo VQG Vũ Quang

    Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, VQG Vũ Quang đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là quản lý rừng bền vững, bảo vệ những giá trị quan trọng nhất về ĐDSH mà cả nước và thế giới kỳ vọng.

    Với việc triển khai các kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng một cách chủ động, sự quyết liệt của ban lãnh đạo và cán bộ Vườn, trong những năm qua VQG Vũ Quang được xem là một điểm sáng trong công tác QLBV rừng được các sở, ban ngành, các đơn vị trên địa bàn đánh giá cao, điều đó được cụ thể hóa qua các số liệu thống kê các vụ vi phạm lâm luật trong công tác QLBV rừng giảm rõ rệt theo từng năm: Từ 55 vụ vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2015 giảm xuống còn 3 vụ năm 2018. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, mặc dù diễn biến thời tiết bất lợi nhưng Vườn không để xảy ra bất cứ vụ vi phạm hay xảy ra cháy rừng trên diện tích đơn vị được giao quản lý.

    Công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH được VQG Vũ Quang hết sức quan tâm và là nhiệm vụ trọng điểm của đơn vị nhằm góp phần nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của VQG Vũ Quang ra tầm khu vực.

    Về ĐDSH, theo kết quả điều tra nghiên cứu hiện tại đã xác định được tại VQG Vũ Quang: Khu hệ thực vật có sự hiện diện của 1829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ. Trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ IUCN (2017) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Khu hệ động vật, các nghiên cứu đã ghi nhận ở đây có sự góp mặt của 94 loài Thú thuộc 26 họ, 315 loài Chim, 58 loài Bò sát, 31 loài Lưỡng cư, 88 loài Cá xương, 316 loài Bướm, 73 loài Kiến và 28 loài Nhện. Trong đó, có 46 loài Thú, 21 loài Chim, 20 loài Bò sát, 8 loài Lưỡng cư và 1 loài Cá xương thuộc Danh lục Đỏ IUCN (2017) và Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN, 2007) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ cần được ưu tiên bảo tồn.

    Thời gian qua, VQG Vũ Quang đã tích cực phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành các nghiên cứu, điều tra ĐDSH tại khu vực đã phát hiện ra các loài mới cho thế giới làm nổi bật giá trị tiềm năng ĐDSH cho VQG Vũ Quang và tỉnh Hà Tĩnh, đó là các loài: Chà ran tuyến - Homalium glandulosum, Dẻ Vũ Quang - Lithocarpus vuquangensis. Trà hoa vàng Vũ Quang - Camellia vuquangensis và Trà hoa vàng Hà Tĩnh - Camellia hatinhensis; Gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangensis) và Tân bời lời Vũ Quang - Neolitsea vuquangensis, nhái Lùn Vũ Quang (Vietnammophryne vuquangensis), Mộc Hương Vũ Quang (Aristolochia vuquangensis), Chuồn chuồn (Chlorogomphus danhkyi), Chắp (Beilsmiedia danhkyi)… Các phát hiện trên đã được công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên nghành có uy tín như: Tạp chí Phytokey, Phytotaxa, Korean Journal of  Plant Taxonomy; Phát hiện ra vùng phân bố mới của quần thể Sồi 3 cạnh (Trigonobalanus verticilata) cực kỳ nguy cấp quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại độ cao 1900m tại VQG Vũ Quang, hay việc phát hiện ra cá thể cây Pơ mu (Fokienia hodginsii) có kích thước lớn thứ 3  Việt Nam (với đường kính đo được đoạn gốc lên đến 2,20m, chiều cao gần 30m) có niên đại 1064 năm (Dựa trên kết quả phân tích vòng năm tại Đại học Columbia – Mĩ); đồng thời, công bố vùng phân bố mới của 2 loài ếch cây và 4 loài rắn tại VQG Vũ Quang đã được đăng trên các tạp chí quốc tế và trong nước.

    Bên cạnh đó, VQG Vũ Quang đã chủ động đăng ký và xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, như Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh "Đánh giá thực trạng các loài động vật thuộc bộ Linh trưởng (Primates) có nguy cơ tuyệt chủng tại VQG Vũ Quang và xây dựng phương án bảo tồn” hoàn thành năm 2019 được Hội đồng khoa học đánh giá “Xuất sắc”; đề tài KHCN cấp tỉnh 2020 “ Điều tra, đánh giá các loài thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh tại VQG Vũ Quang và khu vực vùng đệm” đang được gấp rút triển khai thực hiện. Việc đề xuất, kêu gọi các chương trình, dự án thời gian gần đây như Dự án “Khẩn cấp bảo tồn Voi Châu Á (Elephas maximus) tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030”, Dự án “Xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật  tại VQG Vũ Quang”, Dự án “Tăng cường thực thi pháp luật để giải quyết nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp” do Bộ Nông nghiệp Anh phát động… đang được phía VQG Vũ Quang hoàn thiện, cũng cố hồ sơ đã thể hiện những bước tiến rất lớn trong công tác Nghiên cứu và bảo tồn ĐDSH tại VQG.

    Lĩnh vực tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục môi trường được chú trọng và góp phần lớn vào công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại VQG Vũ Quang, từ năm 2019 đến nay đã tổ chức 86 cuộc họp thôn với 8.833 lượt hộ và 3.969 lượt học sinh ký cam kết bảo vệ rừng - PCCCR, đã hỗ trợ được 14 lượt thôn bản vùng đệm xây dựng nhà văn hóa, điện, đường giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

    Trong công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Vũ Quang đã chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức và VQG trên cả nước. Từ năm 2020 đến nay, Vườn đã tiếp nhận 827 cá thể, tái thả về môi trường tự nhiên 812 cá thể, trong đó có những loài động vật hoang dã quý hiếm được pháp luật bảo vệ như: Sơn dương, chà vá chân nâu, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, vượn đen má trắng, trăn đất, rùa hộp trán vàng, cu li… góp phần bảo vệ nguồn gen và ĐDSH.

    Với những nỗ lực và cố gắng trong thời gian qua, VQG Vũ Quang đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua” các năm 2017 và 2019 và 2021. Đặc biệt, năm 2019 VQG Vũ Quang được công nhận là Vườn Di sản ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự công nhận của quốc tế về vai trò, vị thế của VQG Vũ Quang. Thành công nối tiếp thành công, vào cuối tháng 7/2022, VQG Vũ Quang vinh dự được Bộ TN&MT trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021.

    Ngày 30/7/2022, VQG Vũ Quang tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là cột mốc đáng nhớ đánh dấu một chặng đường lịch sử mang nhiều dấu ấn. Nhận định trong thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó Vườn sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý các hành vi vi phạm lâm luật, hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho rừng; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong bảo tồn, phát huy ĐDSH; huy động mọi nguồn lực nâng cao đầu tư phát triển các tiềm năng lợi thế của rừng …

Thái Cảnh Toàn - Phạm Đình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2022)

Ý kiến của bạn