Banner trang chủ

Vườn Quốc gia Ba Vì: Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên

01/08/2022

    Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, với nhiều loài động, thực vật rừng quý, hiếm cần được bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn gen. Nơi đây còn hội tụ nhiều cảnh quan kỳ vĩ, những di sản văn hóa lâu đời của người Việt cổ vùng đồng bằng sông Hồng, những di tích lịch sử từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các công trình văn hóa, tâm linh như: Đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên…, khiến cho VQG Ba Vì trở thành khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn. Điều đó cũng đặt ra bài toán khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc VQG Ba Vì về công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cũng như những giải pháp phát triển tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn.

Ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc VQG Ba Vì

PV: VQG Ba Vì là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và á nhiệt đới bảo vệ khí quyền và điều hòa khí hậu - lá phổi của Hà Nội mà còn có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, ông có thể cho biết về giá trị tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH và tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn?

Ông Chu Ngọc Quân: VQG Ba Vì thuộc địa phận 15 xã, 5 huyện thuộc TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Mặc dù, có diện tích kiêm tốn (9.702,41 ha, chiếm 0,42% tổng diện tích rừng đặc dụng toàn quốc) nhưng VQG Ba Vì là một trong 6 VQG quan trọng bậc nhất của cả nước, do Bộ NN&PTNT quản lý. VQG là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội, có giá trị đa dạng sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cụ thể:

    Về tự nhiên, Vườn nằm trọn trên dãy núi Ba Vì, do kiến tạo địa chất đặc biệt với sự tạo sơn từ núi lửa giữa lòng sông, được hình thành từ những vận động địa chất Idosinias cách đây  khoảng 150 triệu năm, nên cảnh quan Ba Vì được coi là đặc biệt hùng vĩ, núi già nhưng có đỉnh rất nhọn bởi được cấu tạo từ đá cuội kết trên nền mắc ma cổ, gần như không bị phong hóa theo thời gian.

    Với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới được coi là lâu đời nhất của khu vực Đông dương, Ba Vì là nơi bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc trưng khu vực Đồng bằng Bắc bộ, thảm thực vật được ví như bộ khung chính của một hệ sinh thái trên cạn, có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH. Đa dạng thảm thực vật và sự biến đổi của thực vật theo độ cao tại VQG Ba Vì đặc trưng bởi 3 kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới; rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới và kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp. Theo thống kê, đến nay Ba Vì có 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư và 552 loài côn trùng… có giá trị đặc biệt không thể thay thế về khoa học, bảo tồn nguồn gen.

    Về văn hóa lịch sử, núi Ba Vì là vùng đất quần cư của các dân tộc Kinh, Mường và Dao với nhiều phong tục tập quán lâu đời. Nơi đây được coi là vùng “đậm đặc” nhất về văn hóa khu vực xứ Đoài xưa và có ý nghĩa quan trọng trong tâm linh của người Việt Nam…

    Trong tâm thức người Việt, Ba Vì được tôn vinh là ngọn núi cao nhất, thiêng nhất mặc dù độ cao thực tế (1.296m), thấp hơn Tam Đảo (1.581m). Ca dao Việt Nam có câu: Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn. Trên núi Ba Vì còn có ngôi đền cổ thờ thần núi với đôi cầu đối: Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không/ Hạo khí quan mang vạn cổ tồn (tạm dịch: Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/ Hào khí mênh mang vạn thuở còn).

    Văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì, như một bản anh hùng ca bất diệt hào hùng trong lao động và trong chiến đấu chống lại thiên tai, từ sự đóng góp vĩ đại đó, Sơn Tinh được người đời sau suy tôn là Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Bách Thần, Thượng Đẳng Tổ Linh Thần, Nam Thiên Thánh Tổ.

    Ngày 25/4/1931, đánh dấu một mốc lịch sử, lần đầu tiên Ủy ban Bảo tồn rừng đã ra quyết định thành lập Khu Bảo tồn rừng tại Ba Vì với tổng diện tích là 6500 ha. Năm 1942, G. Tucat - Công sứ Pháp tại Sơn Tây đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng khẳng định người Pháp đã và đang được thẩm thấu các giá trị văn hóa của người Việt thông qua những câu chuyện về dãy núi Ba Vì, khi đề cập sự độc tôn trọng tâm linh người Việt của núi Ba Vì. Cũng trong thời gian này, người Pháp cũng mang đến đây một loài hoa đặc biệt, nở rộ vào cuối tháng 10 đầu tháng 11, khiến khu vườn như được khoác lên mình tấm áo vàng ruộm. Hoa dã quỳ - một loài hoa đặc trưng của VQG Ba Vì, từ lâu, mùa dã quỳ đã trở thành một điểm đến tuyệt vời của du khách trong và ngoài nước. Đến nay, các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Pháp tại Ba Vì đã mang lại những đóng góp rất lớn cho ngành.

PV: Do VQG Ba Vì có vị trí địa lý cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây, đây cũng là một trong những thách thức về áp lực đô thị cũng như những xung đột đối với nguồn tài nguyên của Vườn, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này ?

Ông Chu Ngọc Quân: Áp lực của đô thị hóa lên công tác bảo tồn là vấn đề lớn trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Về vùng đệm VQG Ba Vì, theo thống kê năm 2019, có 127.163 người, gồm 4 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Mường, Dao và Thái đang sinh sống. Áp lực đô thị cũng đang tạo sức ép lên tài nguyên rừng của Vườn, vấn đề này tạo ra một số bất cập điển hình nhất là: Tạo ra sự xung đột trong quản lý ranh giới và sử dụng đất tại vùng đệm; khó có thể tạo ra được một hành lang ĐDSH để các loài phân bố bên trong và ngoài khu bảo tồn có thể giao thoa với nhau, đe dọa sự sống còn của các quần thể nhỏ; thay đổi, thu hẹp không gian kiếm ăn của quần thể chim di cư hàng năm.

    Để giải quyết vấn đề này, Vườn đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý chặt chẽ mốc giới là đường ranh giới tại 7 Trạm kiểm lâm đóng xung quanh Vườn, đặc biệt là phối hợp chính quyền địa phương giám sát các hoạt động săn bắt trái phép ngoài vườn mùa chim di cư.

    Trong thời gian qua, mặc dù đã nỗ lực ngăn chặn, tuy nhiên, tình trạng suy thoái về ĐDSH vẫn tồn tại, một phần liên quan đến việc đồng bào thiểu số vào rừng hái cây thuốc, săn bắt loài quý hiếm làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng. Đánh giá vấn đề này, thực sự phải nhắc đến sự bất cập trong hoạt động bảo tồn loài, liên kết bảo tồn loài giữa các khu bảo tồn, các hoạt động bảo tồn loài thực sự chưa được trú trọng, hầu như mới dừng ở mức điều tra, đánh giá, các ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu áp dụng khoa học trong chọn tạo, nhân giống hầu như chưa có. Để giải quyết thực trạng trên, trong thời giai tới, Vườn sẽ đề xuất và triển khai một số nội dung quan trọng như:

    Khuyến nghị về thành lập một mạng lưới bảo tồn loài giữa các khu bảo tồn, để chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện; đào tạo bổ sung và đào tạo mới kiến thức cho cán bộ về bảo tồn loài; hình thành một mạng lưới phòng LAB về nhân giống các loài cây nguy cấp trong và ngoài các khu bảo tồn để từng bước đưa loài bị khai thác cạn kiện khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

    Vận động chính sách về thu hút cộng đồng tham gia để thực hiện chương trình phát triển, bảo tồn loài nguy cấp thông qua các hình thức chia sẻ lợi ích và xây dựng phương pháp tối ưu về tiếp cận nguồn gen.

    Thúc đẩy việc nghiên cứu, đưa cây dược liệu quý trở thành cây trồng chính, có khả năng phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, xây dựng thành một chương trình dài hạn về trồng cây thuốc quí, cùng với việc bảo vệ rừng nguyên sinh để có diện tích rừng đủ lớn, duy trì môi trường sống của loài trước khi di thực và trồng thâm canh thành công.

    Xây dựng các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, nhân lực tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia bảo tồn và phát triển loài nguy cấp, đặc biệt là các loài có giá trị dược liệu. Đối với thực vật dược, phải xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO), phân biệt, tiến tới chấm dứt khai thác thực vật dược từ tự nhiên (hoạt động gây suy giảm nghiêm trọng quần thể loài nhưng chưa được đánh giá nghiêm túc).

    Đề xuất biện pháp nghiêm cấm khai thác và sử dụng cây dược liệu non chưa đủ tuổi, chưa đảm bảo chất lượng làm nguyên liệu.

Quang cảnh mùa Xuân tại ở VQG Ba Vì

PV: Với phương châm, phát triển bền vững dựa vào bảo tồn ĐDSH, những năm gần đây Vườn đã triển khai những Chương trình bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH như thế nào, nhất là bảo tồn các cây dược liệu quý, hiếm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đệm của Vườn, thưa ông?

Ông Chu Ngọc Quân: Đây là một trong những nội dung quan trọng và là chuỗi các hoạt động ưu tiên trong thời gian tới của Vườn. Trong những năm qua, Vườn đã triển khai nhiều Chương trình bảo tồn hệ sinh thái, ĐDSH, nhất là bảo tồn các cây dược liệu quý, cụ thể: Trồng mới (4.129,3 ha rừng), khoanh nuôi xúc tiến tái sinh (687 ha), cải tạo làm giàu rừng (195 ha), trồng vườn thực vật (40 ha với 250 loài cây); bảo tồn được 300 ha cho 11 loài cây gỗ quý hiếm và 7,5 ha cho 6 loài cây dược liệu quý hiếm. Đến năm 2022 nâng tổng diện tích đất có rừng lên 8.925,4 ha, độ che phủ của rừng tăng từ 67,5% lên 78%.

    Để bảo tồn hệ sinh thái và các nguồn gen quý, hiếm, Vườn đã triển khai các hoạt động nghiên cứu như: Xây dựng danh mục các loài thực vật cây gỗ (91991-1993); Điều tra đa dạng cây thuốc (1991-1993); Điều tra tính đa dạng hệ động vật, côn trùng, bò sát, lưỡng cư (1991-1992). Điều tra lập địa cấp I (1993); Điều tra hiện trạng tài nguyên rừng (1993-1999); Nghiên cứu bảo tồn cây Bách Xanh (1991-1993); Nghiên cứu bảo tồn cây Phỉ Ba mũi (1995-1997); Nghiên cứu bảo tồn cây Thông tre, cây Vàng tâm, bảo tồn chuyển vị cây Phỉ ba mũi (1998-2002); Nghiên cứu bảo tồn hệ thực vật cây thuốc (2003-2007); Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm phục hồi rừng thứ sinh ngèo (2004-2008); Nghiên cứu bảo tồn loài Dẻ tùng sọc trắng (2009-2013); Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây thuốc quý Củ dòm, Khôi tía (2008-2012); Nghiên cứu gây trồng cây Dực nang (2007-2011); Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng loài bương mốc Ba vì (2009-2013); Nghiên cứu bảo tồn loài Gù hương (2011-2013); Nghiên cứu lựa chọn các loài cây gỗ nhằm bổ sung danh mục trồng rừng gỗ lớn (2020-2022); Nghiên cứu bảo tồn hai loài Lan hài helene và Lan hài xanh (2021-2025); Nghiên cứu tuyển chọn cây trồng cảnh quan tại một số khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở miền Bắc Việt Nam (2021-2024).

    Các chương trình nghiên cứu hàng năm đều có người dân tham gia trong việc chọn giống, chuyển giao công nghệ, đã phối kết hợp với hội phụ nữ xã Ba Vì xây dựng 1 ha vườn cây thuốc nam với hơn 150 loài, chuyển giao kỹ thuật nhân giống bảo tồn 2 loài Củ dòm, Khôi tía tại vườn nhà cho hơn 20 hộ dân đồng bào người Dao, Xây dựng dự án hỗ trợ trồng cây thuốc dưới tán cây ăn quả cho hơn 100 hộ dân vùng đệm; nghiên cứu bảo tồn thành công cho 4 loài sâm quý của Việt Nam là sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Hiệp, tam thất hoang.

    Về vấn đề vùng đệm, mặc dù không thuộc quyền quản lý, nhưng Vườn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội, tạo sự lôi cuốn người dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng. Phát triển du lịch sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng một số dự án phát triển vùng đệm nhằm cải thiện một bước đời sống nhân dân trong khu vực, hạn chế đến mức thấp nhất tệ nạn tàn phá tài nguyên rừng.

PV: Bảo tồn và phát triển bền vững, kết hợp khai thác hợp lý tiềm năng VQG Ba Vì chắc chắn là bài toán khó. Từ những kinh nghiệm quản lý trong hoạt động thực tiễn, ông có kiến nghị, đề xuất những biện pháp gì cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tiềm năng du lịch VQG được hiệu quả?

Ông Chu Ngọc Quân: Từ những vấn đề thực tiễn, việc đảm bảo hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững tại Ba Vì, xin kiến nghị, đề xuất một số biện pháp sau:

    Một là, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hoạt động sử dụng môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Từng bước hình thành khái niệm giới hạn sức chứa của hệ sinh thái để xác định số lượng du khách tối đa đến Vườn trong từng thời điểm; kiến nghị các thời điểm dừng đón khánh hoặc các hoạt động bị hạn chế trong mùa sinh sản của động vật hoang dã, mùa chim di cư để đảm bảo công tác bảo tồn.

    Hai là, kiểm soát chặt chẽ điều tiết những khu vực thuê môi trường, hoàn thiện phương án bảo tồn những phế tích từ thời Pháp thuộc, gắn với quy hoạch cảnh quan với mục tiêu chiến lược là VQG Ba Vì sẽ trở thành nơi cung cấp sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp nhất trong khu vực;

    Ba là, cần thiết có quy định về cơ chế tài chính phù hợp, hình thành các nguồn thu mới ngoài phí tham quan, thuê môi trường rừng làm du lịch (nguồn thu từ các hoạt động cung ứng dịch vụ giống cây trồng, thiết kế thi công các công trình cảnh quan... dựa trên năng lực và lợi thế đặc biệt của Vườn), đảm bảo tài chính bền vững cho VQG Ba Vì nói riêng và các VQG trên toàn quốc nói chung.

    Bốn là, thống nhất về trình tự, thủ tục cho thuê môi trường rừng, mức thuê, đối tượng thuê... phù hợp thực tế.

    Năm là, sửa đổi bổ sung Thông tư số 206/2016/TT-BTC, về mức phí tham quan đảm bảo tăng nguồn thu cho Vườn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

               Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2022)

 

Ý kiến của bạn