05/05/2021
Nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (ÐVHD) đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống, loài quý hiếm, gây mất cân bằng sinh thái và môi trường sống. Trước thực trạng trên, Việt Nam đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD nguy cấp, quý hiếm, số vụ vi phạm về ÐVHD đã giảm qua các năm. Để tìm hiểu về công tác đấu tranh, thực thi pháp luật chống nạn săn, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn TS. Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam về vấn đề này.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng buôn bán ĐVHD ngày càng nghiêm trọng, tinh vi ở Việt Nam hiện nay?
Ông Vương Tiến Mạnh: Trong 5 năm gần đây, tình trạng buôn bán ĐVHD trên thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, trên thế giới hình thành nhiều khu vực cung cấp, trung chuyển và tiêu thụ mẫu vật của các loài ĐVHD bất hợp pháp và trái pháp luật. Mẫu vật nhiều loài động vật quý, hiếm bị săn bắt và buôn bán trái pháp luật trên thị trường quốc tế, bao gồm: Ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, các loài chim ăn thịt, các loài rùa nước ngọt... chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ ở các quốc gia có nguồn tài nguyên ĐVHD đa dạng, phong phú tại khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á. Theo Liên hợp quốc, giá trị của buôn bán quốc tế trái pháp luật ĐVHD trong 5 năm qua đạt đạt khoảng 23 tỷ USD.
Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học (ÐDSH) cao trên thế giới. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ÐVHD) bất hợp pháp, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với ÐDSH, nhiều loài ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bên bờ của sự tuyệt chủng. Đáng lo gại là tình hình buôn bán ĐVHD trong những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, có sự tham gia của các mạng lưới tội phạm quốc tế, hoạt động tinh vi có tổ chức và ngày càng tinh vi. Các mẫu vật động vật bị buôn bán chủ yếu phục vụ cho mục đích làm cảnh, làm thực phẩm, làm đồ trang sức và làm thuốc. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều vụ bắt giữ mẫu vật ĐVHD có nguồn gốc nước ngoài được các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Kiểm lâm thực hiện. Điển hình như vụ bắt giữ 9,1 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng (tháng 3/ 2019); vụ bắt giữ 8,3 tấn vảy tê tê ở Hải Phòng (tháng 5/2019) và gần nhất là vụ bắt giữ 93kg sừng tê giác tại sân bay Tân Sơn Nhất tháng (12/2020), điều này cho thấy, Việt Nam là một trong các địa điểm trung chuyển quốc tế động vật hoang dã lớn. Các nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam chịu tác động của các hoạt động buôn bán, trung chuyển ĐVHD là do: Việt Nam nằm trong khu vực địa lý thuận lợi của hoạt động giao thương hàng hoá quốc tế; Việt Nam có nguồn tài nguyên động vật hoang dã phong phú, đa dạng; một bộ phận người dân có văn hoá tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc hoang dã; một số quy định pháp luật bảo vệ động vật hoang dã chưa đồng bộ; vấn để chống buôn bán động vật hoang dã có lúc, có nơi chưa phải là vấn đề ưu tiên. Quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, các "chợ truyền thống" được thay thế bằng các phương thức mua bán mới như thông qua các mạng xã hội, trang thương mại điện tử, các giao dịch tài chính điện tử...
TS. Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam trình bày tại Hội thảo Phía sau nạn buôn bán ĐVHD ở Việt Nam
Năm 2020, số lượng các vụ buôn bán ĐVHD có nguồn gốc nước ngoài bị bắt giữ, tịch thu tại Việt Nam có xu hướng giảm, các cơ quan chức năng chỉ bắt giữ được một, hai vụ buôn bán nhỏ lẻ mẫu vật ngà voi. Xu hướng này có thể do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và có tác động của việc các cơ quan thực thi pháp luật đã tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các hành vi buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
PV: Để ngăn chặn tình trạng trên, cơ quan CITES Việt Nam đã có những nỗ lực như thế nào trong việc thực thi chính sách pháp luật bảo vệ các loài ĐVHD, thưa ông?
Ông Vương Tiến Mạnh: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, quản lý, buôn bán trái phép ÐVHD, thông qua việc tham gia, thực thi các Công ước quốc tế liên quan như: Việt Nam tham gia vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi các nghĩa vụ cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng các Nghị quyết, Quyết định liên quan đến bảo vệ loài, sửa đổi, bổ sung Phụ lục CITES như nâng hạng bảo vệ nhiều loài có phân bố tại Việt Nam như rùa hộp trán vàng, rùa đầu to, các loài thạch sùng mí...
Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ ĐVHD của Việt Nam cũng được hoàn thiện như: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Chỉ thị 29/CT-TTG ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD…
Cùng với đó là các chế tài xử lý vi phạm từ hành chính đến hình sự đối với các hoạt động săn, bắt, tàng trữ, vận chuyển, ĐVHD đã được quy định rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi 2017 gồm các Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã ”Điều 244“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD được pháp luật xem là loại hình tội phạm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.
Các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp với quy định của CITES và điều kiện thực tế của Việt Nam. Một số quy định có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, đảm bảo quản lý chặt chẽ và minh bạch, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân thực hiện như quy định về cấp giấy phép CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu qua hệ thống Một cửa quốc gia. Về danh mục loài, Việt Nam cũng đã quy định rõ danh mục hơn 200 loài ĐVHD cấm khai thác, sử dụng, cấm đầu tư, kinh doanh.
Về chế tài xử lý vi phạm, các quy định xử lý hành chính, hình sự của Việt Nam đối với vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD được quy định rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi 2017 gồm các Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã ”Điều 244“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD được pháp luật xem là loại hình tội phạm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.
Về phân công trách nhiệm quản lý ĐVHD, đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thực thi CITES. Hiện nay, có 18 cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi CITES.
Theo đánh giá của Ban thư ký CITES, hệ thống luật pháp quản lý ĐVHD của Việt Nam được xếp loại A (tức là loại tốt, do có các quy định khá đầy đủ, quản lý theo chuỗi, mức độ xử phạt khá hà khắc).
Cơ quan chức năng tiêu hủy tang vật thu giữ của các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD
Ngoài ra, năng lực thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD của các cơ quan như Hải quan, Công an, Kiểm lâm được tăng cường trong những năm gần đây thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật đến từ các Tổ chức quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ, các Sứ quán..., (các kỹ năng như điều tra, trao đổi thông tin, nhận diện mẫu vật trong buôn bán, khám nghiệm hiện trường ...). Nhiều chiến dịch tuyên truyền bảo vệ ĐVHD cũng được đẩy mạnh.
PV: Từ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, ông có kiến nghị, đề xuất những biện pháp gì trong công tác đấu tranh bảo vệ các loài ĐVHD ở Việt Nam?
Ông Vương Tiến Mạnh: Hiện nay, Công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản đã được các cơ quan Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm còn hạn chế. Để đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD, cần triển khai một số biện pháp như:
Một là, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động gây nuôi ĐVHD. Việc gây nuôi, xuất khẩu ĐVHD phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ về quản lý ĐVHD.
Hai là, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD; đặc biệt là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép ĐVHD;
Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý thức phòng, chống vi phạm và tội phạm; ý thức bảo vệ ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật; lồng ghép đưa chương trình giáo dục bảo vệ các loài ĐVHD vào các cấp bậc học phổ thông. Ngăn chặn các blog, youtube.. cổ xúy cho các hoạt động săn, bẫy, bắt, tiêu thủ động vật hoang dã; quảng cáo, kinh doanh các phương tiện săn, bẫy, bắn ĐVHD.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)