03/12/2021
Từ ngày 10 - 26/11/2021, tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đã tổ chức 13 sự kiện truyền thông với chủ đề “Nguy cơ từ hoạt động săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã” cho hơn 350 người dân sinh sống xung quanh Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi.
Quảng Nam nằm trên hành lang bảo tồn ĐDSH kết nối Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu bảo tồn Sao La, Vườn quốc gia Sông Thanh; có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Đây là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu nguy cấp cần bảo vệ nghiêm ngặt như voi, sao la, voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám… Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng diễn biến phức tạp, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái và sức khỏe con người. Cùng với đó còn phát sinh nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tuyên truyền về động vật hoang dã, quý hiếm (Ảnh: T.K)
Vì vậy, bảo tồn dựa vào cộng đồng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ ĐDSH. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng đối với cả việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn của đại dịch có nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã sang con người. Việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc chung tay bảo vệ các loài hoang dã, ngăn chặn hoạt động săn bắt và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép là một nội dung hết sức quan trọng của các nỗ lực bảo tồn.
Người dân xã Quế Lâm (Nông Sơn) thảo luận về bảo vệ động vật hoang dã. (Ảnh: T.K)
Tham gia sự kiện, người dân quanh Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi được thảo luận, chia sẻ về mối liên hệ giữa hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát. Người dân cũng được trao đổi và cập nhật thông tin về các hành vi dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách hình sự liên quan đến xử lý tội phạm về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm. Bên cạnh đó, người dân được khuyến khích cung cấp thông tin qua đường dây nóng khi phát hiện các hành vi nghi ngờ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã.
Ông Phan Công Thạnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi cho biết: Bảo tồn động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa bàn, bởi họ chính là người được hưởng lợi từ ĐDSH cũng như phải chịu tác động trực tiếp của tình trạng suy thoái ĐDSH. Đồng thời khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ ủng hộ và sẵn sàng tham gia các hoạt động của Hợp phần Bảo tồn ĐDSH, nhằm ngăn chặn hoạt động săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chúng.
Vũ Hồng