Banner trang chủ

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường: Đẩy mạnh các chương trình truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc

29/11/2022

    Nhằm tuyên truyền góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về vấn đề biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) (Trung tâm) đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Một số kết quả nổi bật

    Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao kỹ năng của cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu

    Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận có liên quan của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Thực hiện phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội trên phạm vi cả nước, các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo… để các quy định hướng dẫn lan tỏa tới cộng đồng trên phạm vi cả nước.

    Thực hiện truyền thông chính sách cho các lĩnh vực, trong đó, tuyên truyền việc xây dựng các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; công tác nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, nhất là cảnh báo sớm; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống thiên tai, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều...truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống thiên tai về hạn chế thiệt hại bởi lũ ống, lũ quét cho người dân.

    Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường ven biển và phát triển sinh kế cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, các hình thức phổ biến pháp luật tài nguyên môi trường nói chung và các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tiếp cận, đổi mới từ các hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến; đa dạng hơn từ các hình thức trên đài phát thanh, truyền hình, báo in sang tuyên truyền phổ biến trên báo điện tử, trang mạng xã hội, trên điện thoại thông minh. Nội dung tuyên truyền cũng được đa dạng hoá, chuyên sâu và tiếp cận từ nhiều góc nhìn, có sự định hướng tương tác đa chiều trong các hoạt động truyền thông. Quá trình đổi mới các nội dung, hình thức truyền thông đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực và thể hiện yêu cầu chuyển đổi một cách tất yếu để phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội mới. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc điều chỉnh các nội dung, hình thức gắn với ứng dụng công nghệ thông tin cần ưu tiên và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

    Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức ngành tài nguyên môi trường và các thành phần xã hội về các vấn đề biến đổi khí hậu

    Thông qua các ngày lễ, sự kiện ngành tài nguyên môi trường

    Ngày 19 - 20/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Triển lãm “Biến đổi khí hậu, thách thức và cơ hội hợp tác Á - Âu”. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Trung tâm là đơn vị chủ trì thực hiện các hoạt động triển lãm bên lề Hội nghị. Triển lãm “Biến đổi khí hậu, thách thức và cơ hội hợp tác Á - Âu” đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự Hội nghị ASEM, phóng viên, báo chí, khách mời tham dự những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; là nơi tìm hiểu, liên kết hợp tác đầu tư; giới thiệu vai trò quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Giới thiệu các hoạt động, hợp tác tiêu biểu Á - Âu trong việc hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Triển lãm có 15 gian hàng gồm 02 gian hàng của các cơ quan Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 02 gian hàng của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và 11 gian hàng của các địa phương khu vực ĐBSCL.

Triển lãm “Biến đổi khí hậu, thách thức và cơ hội hợp tác Á - Âu”

    Năm 2019, Trung tâm tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới tại Hải Phòng, với chủ đề là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết” nhằm phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hàng ngày, cũng như cung cấp các thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu quan trọng cho chính quyền các cấp, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng. Thông qua sự kiện này, hòa chung với ý tưởng kết nối từng cá nhân, cộng đồng, xã hội tham gia công tác phòng chống thiên tai của Tổ chức Khí tượng Thế giới, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng trong từng công việc mình đang thực hiện.

    Đồng thời, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và công nhận khu Ramsar thứ 9 cho Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long tại tỉnh Ninh Bình được diễn ra vào tháng 5 năm 2019 với chủ đề “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”. Mục tiêu chủ đề đưa ra nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và tăng cường truyền thông về mối liên hệ giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái, làm trong sạch nguồn nước và không còn nạn đói.

Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới

và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 tổ chức tại TP. Bạc Liêu

    Tiếp theo đó, Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được tổ chức tại thành phố Bạc Liêu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đoàn kết, thống nhất ý chí và kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc tỉnh, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động bên lề sự kiện như: trồng rừng ngập mặn chống sạt lở ven biển, xâm nhập mặn hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; khánh thành sân chơi cho trẻ em tại nơi định cư mới do tỉnh bố trí cho các hộ gia đình sống ven rừng phòng hộ kết hợp Hoạt động “Thanh niên với phong trào chống rác thải nhựa”; tổ chức Diễn đàn Đầu tư phát triển Thương hiệu biển Việt Nam…

    Năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020 thông qua chương trình Toạ đàm phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng sự kiện. Giờ Trái Đất 2020 kêu gọi sự cam kết của chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hành động nhằm đảo chiều những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Các hoạt động của chương trình góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa và nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.

    MV ca nhạc “Cùng hành động vì thiên nhiên” là một trong những hình thức truyền thông mới do Trung tâm thực hiện với biên đạo điệu nhảy ấn tượng, giai điệu trẻ trung, sôi động cổ vũ tinh thần và lan toả những hành động đẹp về bảo vệ thiên nhiên, môi trường. MV đã được phát sóng trên các chương trình toạ đàm của Đài Truyền hình Việt Nam và trên các kênh phương tiện thông tin đại chúng. Theo thống kê, chỉ riêng kênh mạng xã hội Facebook, MV đã tiếp cận được hơn 1.000.000 người, trên kênh Youtube của Bộ Tài nguyên và Môi trường được hơn 15.109 lượt xem, đối với kênh nghe nhạc MP3 Zing được gần 811.000 lượt nghe, 30.000 lượt thích.... Riêng mạng xã hội TikTok đã thu hút được gần 3 triệu lượt xem và gần 35.000 lượt thích. Các phản hồi về MV đều rất tích cực và đều ủng hộ mạnh việc lan truyền MV này tới cả nước, đặc biệt trong các trường học để giáo dục trẻ em, học sinh. Nhân ngày Trẻ em Thế giới UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) đã tổ chức chương trình “Thử thách Vũ điệu xanh” cùng Vũ công Quang Đăng và UNICEF để lan tỏa thông điệp về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vũ điệu được sáng tác dựa trên lời bài hát ca khúc “Cùng hành động vì thiên nhiên”, bài hát do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cùng ca sĩ Quân A.P và Nguyên Jenda nhân dịp Ngày Môi trường thế giới năm 2020 chương trình đã lan tỏa và nhận được sự tiếp cận của gần 10.000 người theo dõi.

    Thông qua các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực, kinh nghiệm trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH

    Từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Trung tâm đều có các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực, kinh nghiệm nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên môi trường. Tổng số hoạt động đã triển khai là hơn 100 hoạt động với số lượng đại biểu khoảng 1.500 người là đại diện của các Bộ, Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trên phạm vi cả nước. Riêng đối với hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có 10 hoạt động (chưa kể đến các hoạt động chỉ tập trung truyền thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

    Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức thành công các Hội thảo Đào tạo Quản lý rác thải và giảm thiểu đốt hở tại Hà Nội; Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; Hội thảo, tập huấn và ngoại khóa tiếp cận thực tế mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phóng viên báo chí và tuyên truyền viên môi trường; Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư.

    Năm 2019, Trung tâm tổ chức các Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và cộng đồng dân cư; phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Thành phố Huế; phối hợp với Báo Lao động tổ chức thành công Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường; tổ chức các hoạt động về “Tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

tại Thành phố Huế, năm 2019

    Năm 2021, Trung tâm đã tổ chức thành công Hội thảo ‟Tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội-nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ (NGO) trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; Hội thảo khoa học “Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Hội nghị "Triển khai Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và cộng đồng dân cư” cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và cộng đồng dân cư trên toàn quốc.

    Các hoạt động hợp tác quốc tế

    Trung tâm được giao là cơ quan đầu mối quốc gia của nhóm công tác ASEAN về giáo dục môi trường của Việt Nam (AWGEE), năm 2018, Trung tâm đã tham dự và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục môi trường như: phối hợp với Văn phòng ASOEN Việt Nam lựa chọn và cử 05 bạn trẻ Việt Nam tham dự Trại hè Thanh niên ASEAN (ASEAN Youth Camp - AYC) với chủ đề "Thanh niên ASEAN hướng tới môi trường bền vững" do Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan khởi xướng tổ chức (Trại hè được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 4 năm 2018 với các hoạt động học tập như các bài giảng, hội thảo và tham quan tại Thái Lan); tham dự Diễn đàn Môi trường Thanh niên ASEAN+3 năm 2018 (AYEF 2018) (từ ngày 30 tháng 6 đến 2 tháng 7 năm 2018 tại Singapore).

    Năm 2021, với tư cách là Trưởng nhóm Công tác Giáo dục môi trường ASEAN của Việt Nam, Trung tâm tham gia làm cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương - APRC (do Đài Loan khởi xướng) thuộc Tổ chức Giáo dục Môi trường Toàn cầu - GEEP. Trong hoạt động này, Trung tâm chia sẻ các thông tin về tình hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, các chương trình giáo dục môi trường của Việt Nam, đóng góp ý kiến vào các hoạt động của APRC và trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về các kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục môi trường, từ đó xây dựng phương hướng nhằm đẩy mạnh hoạt động này.

    Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Trên cơ sở các kết quả hoạt động truyền thông trong thời gian qua, cần tiếp tục một số biện pháp truyền thông trong thời gian tới như sau:

    Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

    Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trong đó xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý, điều phối và cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ về cảnh báo sớm, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Quán triệt đầy đủ, triển khai nghiêm túc các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về về môi trường và phát triển bền vững. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế trong cảnh báo sớm, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

    Ba là, tổ chức bộ máy cán bộ thực hiện công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên môi trường và các thành phần xã hội về các vấn đề về biến đổi khí hậu; tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền trong quản lý và lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; kiện toàn tổ chức bộ máy và các công cụ đảm bảo cung cấp thông tin, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt các hoạt động truyền thông cho đối tượng đặc thù, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, cộng đồng địa phương và những nhóm hay bị lãng quên.

    Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí; tăng cường, đổi mới và đa dạng các hoạt động thông tin tuyên truyền, báo chí, truyền thông; chú trọng việc ứng dụng công nghệ để tổ chức sự kiện, tọa đàm, hội thảo, hội nghị qua môi trường mạng; tổ chức Họp báo thường kỳ, chuyên đề nhằm cung cấp thông tin về các cơ chế, chính sách, sự kiện, hoạt động chỉ đạo điều hành về tài nguyên và môi trường; tổ chức các giải thưởng, cuộc thi tuyên truyền chủ đề trọng tâm về tài nguyên và môi trường.

    Năm là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường, nâng cao kỹ năng cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt; tiếp nhận các ý kiến của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tổ chức về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.

    Sáu là, tổ chức đánh giá khả năng áp dụng cho các địa phương đối với các mô hình sản xuất kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ thuật chuyển đổi các mô hình đến các hộ gia đình.

    Bảy là, bố trí nguồn ngân sách đảm bảo duy trì hoạt động truyền thông thường xuyên; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn hỗ trợ từ nước ngoài cho các hoạt động truyền thông về tài nguyên môi trường.

    Tám là, giới thiệu, nhân rộng các mô hình tuyên truyền có hiệu quả, khen thưởng các cá nhân, tập thể tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn