Banner trang chủ

Trồng “rừng nhiệt đới” san hô dưới đáy biển Cù Lao Chàm

24/01/2022

    Một mùa xuân nữa lại về. “Rừng nhiệt đới” san hô dưới biển Cù Lao Chàm cũng đang được phục hồi và phát triển tốt trước mùa xuân của đất trời. Đó là một phần thành quả của việc bảo vệ và trồng mới san hô của những người yêu biển. Những cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và một số ngư dân xã đảo vẫn lặng thầm tách tỉa, nuôi cấy, ươm trồng từng mầm san hô cho Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nhằm góp phần chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm.

Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng

    Cù Lao Chàm đang sở hữu nhiều giá trị đa dạng sinh học biển và hệ thực, động vật rừng phong phú. Chính vì vậy, nơi đây đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với đặc thù riêng của mình, Cù Lao Chàm được định hướng khai thác du lịch gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa. Trong những năm trở lại đây, số lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm có sự gia tăng đột biến, điều đó đã mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng nhân dân trên đảo, bộ mặt kinh tế - xã hội đã có những bước
chuyển mình mạnh mẽ, đời sống tinh thần và vật chất của cư dân được nâng lên
rõ rệt.

    Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội cũng tạo ra áp lực đối với hệ sinh thái Cù Lao Chàm, gây nên suy thoái môi trường nước, các thảm cỏ biển, rạn san hô quanh đảo đã bị phá hủy nghiêm trọng, đồng thời lượng cá và quần thể sinh vật sống trong các hệ sinh thái này cũng bị suy giảm theo nhanh chóng.

    Tại vùng biển Cù Lao Chàm đã thống kê được danh mục thành phần loài san hô với khoảng 282 loài thuộc 23 họ và 79 giống. Trong đó san hô tạo rạn gồm 265 loài thuộc 17 họ và 66 giống. Theo kết quả khảo sát, sự suy thoái rạn được ghi nhận ở một số vùng như Bãi Tra – Bãi Hương và Bãi Bắc. Các rạn san hô nơi đây cũng đang chịu những mối đe dọa và có thể bị suy thoái nhanh nếu không được quản lý tốt. Hiện nay, hình thức khai thác nguồn lợi quanh vùng biển Cù Lao Chàm khá đa dạng, gồm có: giã cào, mành đèn, lưới vây dùng đèn hoặc không dùng đèn, lặn ống hơi khai thác thủy sản, câu tay và câu giàng, lưới rê... Nhiều loài sinh vật vốn được coi là phổ biến trước đây đang dần biến mất như Ốc Tù và Charonia tritonis. Bào ngư Bầu dục Haliotis ovina và tôm hùm Panulirus spp. vẫn được tìm thấy trên các rạn nhưng với số lượng thấp. Các nhóm cá kích thước lớn có giá trị thương mại cao như cá Mú Serranidae (Plectropomus spp., Epinephelu spp., Cephalopholis spp.), cá Hè Lethrinidae (Lethrinus spp.) và cá Hồng Lutjanidae (Lutjanus spp.) đang bị khai thác cạn kiệt, số lượng còn rất ít và kích thước tương đối nhỏ.

    Trước thực trạng và những tác động bất lợi đến sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái san hô nói chung và ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói riêng, đề tài: “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” đã được thực hiện, đồng thời đưa ra các biện pháp cũng như các hoạt động di trồng và phục hồi rạn san hô. BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lựa chọn phương pháp tách tập đoàn san hô và mô hình trang trại vườn ươm san hô. Trên kết quả khoa học của các đánh giá và khảo sát trước đây, BQL đã lựa chọn một số giống loài san hô ưu thế, phổ biến tại vùng biển này để phục hồi bao gồm: Acropora acuminata, Acropora cytherea, Acropora hyacinthus, Acropora robusta (Acropora nobilis), Echinopora gemmacea, Echinopora lamellosa, Montipora vietnamensis, Montipora crassituberculata, Pachyseris rugosa và Pachyserisspeciosa.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra san hô tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Huỳnh Ngọc Diên

    Để có thể thực hiện các kỹ thuật di trồng và phục hồi san hô, các kỹ thuật viên phải lặn xuống chừng 20 mét. Dưới lòng biển, việc giữ vị trí và thế bơi sao cho không giẫm đạp lên san hô và không bị dòng nước ngầm chảy siết làm nổi người lên xuống, đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật và kinh nghiệm của người làm nghề. Để không bị ảnh hưởng đến vùng cho nguồn giống cũng như các cá thể được tách, các kỹ thuật viên phải dùng kìm, kéo cắt, búa hoặc dao… cắt nhẹ các tập đoàn san hô để chiết mầm. Công việc này đòi hỏi người kỹ thuật viên phải cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo để tránh ảnh hưởng đến các tập đoàn khác cũng như tránh sự gãy vụn của tập đoàn cần di dời. Sau đó, các kỹ thuật viên đặt tập đoàn đã cắt vào các xô nhựa lớn đổ đầy nước và sục ôxi để vận chuyển đến vị trí phục hồi, trong quá trình vận chuyển phải thay đổi nước thường xuyên. Đến vị trí phục hồi, các kỹ thuật viên phải cấy những mầm san hô vào dàn ống nhựa ráp sẵn thành giá thể và cố định các mảnh tập đoàn san hô với khoảng cách trung bình giữa các tập đoàn 0,5 – 1,5m. Cứ như vậy, mỗi đợt, các kỹ thuật viên thực hiện công việc theo vòng tuần hoàn, chỉ trừ những khi mưa to, gió lớn họ mới ngưng nghỉ. Hết 3 tháng ươm giống, họ bắt đầu đưa san hô từ vườn ươm đi trồng chính thức ở những vùng bị tổn thương nhiều.

    Đặc biệt, công việc của BQL Cù Lao Chàm đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân xả đảo. Nhiều ngư dân từng một thời khai thác hải sản trong rạn san hô, giờ đây quay lại cùng tham gia trồng san hô với BQL để bảo tồn hệ sinh thái biển. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã trồng được hơn 6.000 tập đoàn san hô tại khu vực Bãi Xếp, Hòn Lao, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bắc. Sau khi trồng, hàng năm, các kỹ thuật viên đều khảo sát mức độ phát triển, trồng dặm những vị trí san hô chết. Theo đánh giá, tỷ lệ sống của san hô trồng ở vùng biển Cù Lao Chàm đạt khoảng 80%. Có thể nói, mô hình trồng và nuôi cấy san hô dưới đáy biển Cù Lao là một hoạt động hết sức ý nghĩa trong bảo vệ gìn giữ hệ sinh thái biển nói chung và hệ sinh thái rạn san hô nói riêng.

Đề xuất mô hình du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái san hô

    Hệ sinh thái rạn san hô tự nhiên nói chung và vùng san hô phục hồi nói riêng có vai trò đa chức năng, đa giá trị, khá nhạy cảm, dễ bị tổn thương dưới tác động của các hoạt động trong và ngoài khu vực. Việc khai thác loại hình DLST phải dựa vào 3 yêu cầu cơ bản, đó là các hoạt động phải phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường vùng biển đảo Cù Lao Chàm; khai thác hệ sinh thái rạn san hô với mục tiêu DLST phải đảm bảo an toàn các chức năng và duy trì chất lượng của chúng; đặc biệt chú ý đến khả năng chịu tải, tính nhạy cảm và mức độ tổn thương của hệ sinh thái.

    Trong khuôn khổ Đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng” và cùng với những hoạt động thực tiễn của Tổ Cộng đồng bảo vệ vùng phục hồi san hô trong thời gian qua, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đề xuất áp dụng mô hình du lịch sinh thái gắn với các vùng phục hồi rạn san hô là một cách thức để chia sẻ lợi ích cho cộng đồng tham gia vào công tác phục hồi hệ sinh thái rạn san hô.

    Từ kết quả nghiên cứu, có thể ứng dụng công nghệ phục hồi san hô này để xây dựng các mô hình vườn ươm san hô được đầu tư có quy mô hơn và chuyển giao cho cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm cũng như ven biển tỉnh Quảng Nam khai thác dịch vụ du lịch (xem san hô bằng tàu, thúng đáy kính và kết hợp câu cá giải trí trên vùng rạn san hô ươm cấy). Trên cơ sở lợi ích của ngư dân được mang lại từ rạn san hô thì cộng đồng ngư dân sẽ có trách nhiệm bảo tồn, quản lý và khai thác dịch vụ một cách bền vững. Mô hình hoạt động tổ tự nguyện là mô hình không mới nhưng rất phù hợp đối với đặc thù chung ở Cù Lao Chàm, đó là huy động được nguồn lực trong dân để đóng góp vào công tác bảo tồn biển; tạo thành mạng lưới để có thông tin kịp thời phát hiện vi phạm xử lý; kiến thức và tranh thủ sự ủng hộ của các ngư dân có kinh nghiệm lâu năm để tham vấn các vấn đề về san hô. 

    Để phát huy các giá trị của hệ sinh thái rạn san hô tự nhiên và vùng san hô được phục hồi, BQL Cù Lao Chàm đã đưa ra các giải pháp, cơ chế để thu hút sự tham gia của cộng đồng gồm: thực hiện quản lý rạn san hô theo mô hình 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông (ngư dân) - Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học; trao quyền quản lý mặt nước biển cho các tổ chức cộng đồng địa phương; tổ chức mô hình du lịch sinh thái.

    Trong thời gian tới, BQL cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ tiêu chí để giám sát, đánh giá diễn biến chất lượng và nghiên cứu đánh giá sức chịu tải của hệ sinh thái rạn san hô đối với các loại hình dịch vụ ở các khu vực giao cho cộng đồng và doanh nghiệp quản lý, sử dụng; có cam kết bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng hệ sinh thái ít nhất giống như các khu vực thuộc nhà nước quản lý. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ cộng động, đặc biệt là Tổ Cộng đồng bảo vệ vùng phục hồi san hô trong việc kết nối với các nhà doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách đầu vào có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của loại hình DLST hoạt động trong các vùng rạn san hô.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn