04/07/2022
Quỳnh Nhai là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Sơn La, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc Thái, Dao, Mông, Mường, Kháng, La Ha… trong đó chiếm tỉ lệ cao là người Thái. Nằm trên vùng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Cảnh sắc của núi non hùng vĩ, đô thị mới Phiêng Lanh, cầu Pá Uôn nối đôi bờ mênh mông sóng nước, các điểm du lịch tâm linh gắn liền với các truyền thuyết văn hóa và các lễ hội truyền thống tạo nên những nét hấp dẫn của Du lịch Quỳnh Nhai.
Từ bến thuyền bên cầu Pá Uôn, du khách lên du thuyền chong chóng 2 tầng tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La. Với diện tích lòng hồ trên 10.500ha và chiều dài khoảng 62km, lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai với hàng chục đảo lớn nhỏ cùng hệ thống các dãy núi đá vôi dọc hai bên lòng hồ tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Ngoảnh lại, cây cầu Pá Uôn cao sừng sững vắt ngang hai bờ sông dần dần lùi xa tầm mắt. Trước đây, để đến được trung tâm huyện Quỳnh Nhai và các bản làng người Thái nằm dọc dòng sông Đà, người ta chỉ có thể đi đò, đi phà… Cầu Pá Uôn được xây dựng từ năm 2010 nằm trên quốc lộ 279 bắc qua sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, cách thành phố Sơn La khoảng 70km, nay là huyết mạch giao thông vùng Tây Bắc nối Sơn La với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên… Cầu có chiều dài 900m, rộng 9m với hai làn xe, sở hữu 11 trụ, trong đó trụ chính cao nhất lên tới 98,6m, trở thành cây cầu được xác lập kỷ lục Việt Nam. Không chỉ thế, cây cầu còn là khán đài của những lễ hội truyền thống để nhân dân và du khách khắp nơi quy tụ đón những ngày hội lớn.
Dần xa cầu Pá Uôn, du khách thả mình dưới những hàng chong chóng sắc màu hòa nhịp trong gió trên tầng 2 của du thuyền, ngắm cảnh sắc thiên nhiên vùng lòng hồ. Thuyền di chuyển khoảng 1,5 giờ để đến với đảo Trái Tim - một điểm du lịch sinh thái khác trên lòng hồ, cũng mới được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2018. Đảo Trái Tim nằm cách cầu Pá Uôn hơn 10km về phía thượng nguồn, diện tích khoảng 1,3ha. Trước đây, khu vực này là một dãy núi đá nằm cạnh bản Hát Lếch, thuộc xã Chiềng Ơn, một bản của đồng bào dân tộc La Ha. Năm 2010, khi thủy điện Sơn La ngăn đập, tích nước, đỉnh núi trở thành hòn đảo nằm giữa hồ nước mênh mông, nhìn từ trên cao, hòn đảo có hình dáng như trái tim. Đến với đảo Trái Tim, du khách cũng có thể trải nghiệm các hoạt động chèo thuyền, thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái được chế biến từ cá sông Đà và trải nghiệm hoạt động cho cá ăn, xem múa dân gian dân tộc Thái, chụp ảnh lưu niệm bên con đường hoa, dốc nón hay dưới những tán cây, tảng đá lâu năm hoặc trên boong tàu được thiết kế vươn ra lòng hồ…
Quỳnh Nhai hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái
Ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai cho biết: Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện của huyện Quỳnh Nhai, đến nay Dự án khu du lịch sinh thái lòng hồ của công ty đang được thực hiện với 5 giai đoạn, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 50 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào xây dựng đảo Trái tim, một điểm trưng bày các sản phẩm của bà con các dân tộc trong vùng, cùng 3 nhà hàng để phục vụ khách tham quan. Hiện nay, HTX đang triển khai giai đoạn 2, tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong đó, đảo Trái tim tiếp tục được đầu tư với các hạng mục: bãi tắm, nhà nổi, công viên nước và các dịch vụ chèo thuyền, trải nghiệm bắt cá trên sông...; xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên mặt nước, núi rừng, bản làng dân tộc, khu suối nước nóng thuộc bản Bon, vườn hoa thổ cẩm lấy cảm hứng từ họa tiết thêu trên thổ cẩm của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, vườn cây ăn trái cho thực khách nếm hương vị của các loại cây trái khắp bốn mùa.
Cách đảo Trái Tim khoảng 30 phút di chuyển bằng thuyền, du khách đến với vịnh Uy Phong (thuộc địa phận bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai) - khu du lịch nổi trên mặt hồ được Quỳnh Nhai Travel (đơn vị khởi nghiệp tiên phong tham gia đầu tư phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La, được thành lập vào tháng 2/2017) đầu tư xây dựng với các hạng mục như: nhà hàng, sân bóng chuyền hơi dưới nước, khu đua thuyền, khu nuôi cá lồng… Vịnh Uy Phong là nơi lý tưởng giúp du khách xả stress sau những bộn bề của công việc và cuộc sống. Tại đây, du khách có dịp trải nghiệm các trò chơi giải trí thú vị trên vịnh Uy Phong như: chèo thuyền, đu quay, bể bơi ngoài trời, bóng chuyền hơi dưới nước, các hoạt động hoạt náo dưới nước… Tại khu nhà hàng nổi trên vịnh, du khách có dịp thưởng thức ẩm thực dân tộc với những món ăn đặc trưng địa phương, đặc biệt là chế biến từ cá sông Đà nổi tiếng. Xung quanh nhà hàng nổi là khu lồng nuôi cá, bên cạnh thú chơi câu cá, du khách còn có thể trải nghiệm cảm giác thú vị và mới lạ khi được cả đàn cá nhỏ massage chân khi thả chân xuống mặt nước hồ.
Cũng trên vùng lòng hồ, du khách có dịp tham quan cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ. Khuất mình trong một nơi yên tĩnh, chỉ nhô lên với hàng bậc thang trắng sáng giữa vạn rạn rêu xanh, cột mốc được xây dựng trên đỉnh đồi truyền hình trước đây, nay nước dâng ngập cả quả đồi, chỉ còn nhô một phần lên mặt nước trên lòng hồ thủy điện. Tới đây, du khách được tận mắt chứng kiến “Atlantis của vùng Tây Bắc” và lắng nghe các câu chuyện xoay quanh lịch sử mảnh đất này. Từ năm 2006 - 2010, để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc khởi công xây dựng dự án công trình nhà máy thủy điện Sơn La với công suất lớn nhất Đông Nam Á, nên Quỳnh Nhai phải di chuyển dân ra khỏi vùng hồ thủy điện đến 10 khu tái định cư với 65 bản cho các hộ dân; đồng thời di chuyển 9 xã, 99 bản và 8.435 hộ dân, hơn 38.000 nhân khẩu sang nơi ở mới. Quỳnh Nhai cũ xưa kia hiện tại giờ đang ngủ yên dưới hàng trăm mét nước trên dòng chảy của thủy điện Sơn La.
Không chỉ có du lịch sinh thái lòng hồ hay, đến với Quỳnh Nhai, du khách có thể tham quan các điểm du lịch văn hóa tâm linh như đền Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han, di tích lịch sử cây đa Pắc Ma (một chứng tích ghi dấu thắng lợi của quân và dân các dân tộc Sơn La trong kháng chiến chống Pháp), hay khám phá các bản văn hóa cộng đồng, tắm suối nước nóng bản Bon...
Được quy hoạch là một trong 3 điểm đến của tỉnh Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quỳnh Nhai đã khai thác hợp lý các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đều gắn với vùng lòng hồ như: du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành và vận chuyển khách. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tiến hành phục dựng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, đưa sắc thái văn hóa thành sản phẩm du lịch, phát triển các đội văn nghệ để đảm bảo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức phát triển các lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tập trung vào các lễ hội như Đua thuyền, lễ hội Gội đầu, Nàng Han, Kinh Pang Then, Cầu mưa… Với tiềm năng sẵn có và sự quan tâm tạo điều kiện của huyện trong việc thu hút đầu tư xây dựng giữa các sản phẩm du lịch đặc thù, trong tương lai không xa, du lịch lòng hồ ở Quỳnh Nhai sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Xuân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2022)