22/04/2022
Thực hiện Công văn số 1722/BTNMT-TCCB ngày 6/4/2022 của Bộ TN&MT triển khai công tác bình đẳng giới năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 14/4/2022, Tổng cục Môi trường đã ban hành Công văn số 972/TCMT-TCCB, trong đó yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục phối hợp với các tổ chức đoàn thể của đơn vị tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác bình đẳng giới.
Cụ thể, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới bằng việc tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên trong đơn vị về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động (đặc biệt quan tâm đến các nội dung về bình đẳng giới), Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Đẩy mạnh truyền thông về các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đơn vị, đối tượng cụ thể. Chủ động, tích cực lồng ghép các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án… liên quan của đơn vị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm lan tỏa thông tin nhanh, hiệu quả.
Cùng với đó, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, với việc tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới. - Chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thuộc Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (ban hành theo Quyết định số 1491/QĐ-BTNMT ngày 28/7/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT) nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch…
Vấn đề giới và môi trường nói chung, phụ nữ, môi trường và biến đổi khí hậu nói riêng, là một trong những nội dung xuyên suốt, những mục tiêu quan trọng được đề cập trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta. Nhận thức rõ điều này, Luật BVMT năm 2020 đã có những điểm mới mang tính đột phá, trong đó có một số quy định liên quan đến vấn đề giới cũng như vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác BVMT. Luật BVMT lần này đã bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” ngay vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 cũng giải thích thuật ngữ “cộng đồng dân cư” để thống nhất cách hiểu trong thực thi Luật, cụ thể “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 28, Điều 3). Về nguyên tắc BVMT, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT: “BVMT là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân” (Khoản 1, Điều 4). Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 đã từng bước đưa hoạt động tham vấn trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trở nên thực chất hơn nhằm phát huy tính dân chủ của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời góp phần thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật… |
Châu Long