Banner trang chủ

Tọa đàm Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0

02/04/2021

     Hưởng ứng Giờ Trái đất 2021, ngày 27/3/2021, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng đã tổ chức Tọa đàm “Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0”.

     Cách đây vài năm, cụm từ "ô nhiễm không khí" còn rất xa lạ, ngay cả khi Đại sứ quán Hoa Kỳ lắp đặt máy quan trắc chất lượng không khí tại Láng Hạ (Hà Nội) và chia sẻ dữ liệu trên website, công chúng vẫn chưa thực sự tiếp cận với thông tin về chất lượng không khí. Hoặc cứ mỗi mùa hè đến, mạng xã hội lại xôn xao với hàng loạt những thắc mắc của người dân vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến, mà nhiều năm chưa tìm ra câu trả lời. Xa xôi hơn, các nhóm bảo tồn, các nhà quản lý vẫn thường đi thực địa dài ngày để theo dõi, giám sát hiện trạng rừng, đa dạng sinh học… hoặc phải dựa vào nguồn phản ánh của người dân địa phương khi có thông tin gấp cần cập nhật.

Các Đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Toạ đàm

     Còn hiện tại, mỗi giờ, người dân có thể chủ động theo dõi chất lượng không khí bằng việc truy cập website và ứng dụng như moitruongthudo.net, cem.gov.vn, Hanoi Smart City hay PAMAir. Mỗi ngày, các gia đình hay văn phòng có thể cập nhật lượng điện tiêu thụ theo thời gian thực khi lắp đặt máy đo tại nhà và theo dõi dữ liệu qua ứng dụng như IOTeamVN, từ đó chủ động thực hiện các hành động tiết kiệm điện. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tiết kiệm được phần lớn nguồn lực về nhân sự, thời gian, trang thiết bị nhờ các hệ thống công nghệ trực tuyến giám sát thông qua hình ảnh vệ tinh… Có thể nói, nhờ công nghệ 4.0 như Big Data, AI hay điện toán đám mây mà các thông tin về môi trường đã trở nên rõ ràng, dễ nắm bắt hơn. Hiện trạng ô nhiễm không khí, nước, tình trạng chặt phá rừng cho đến mức độ sử dụng năng lượng, khí tượng... dần được hiển thị trực quan hơn, chi tiết tới từng ngày, giờ, địa điểm cụ thể, nhờ các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này vẫn còn rất mới mẻ. Vậy làm sao để những bước tiến về công nghệ này thực sự tạo ra những thay đổi tốt hơn, hiệu quả hơn? Những công nghệ và dữ liệu gì để đảm bảo hài hòa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế - xã hội; những kỹ năng gì trong việc ứng xử với môi trường, làm thế nào để chia sẻ mối quan tâm và chung tay trong những nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường tại Việt Nam cũng như trên thế giới, là những nội dung chính được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.

     Tại buổi Tọa đàm, TS. Hoàng Việt Anh - Chuyên gia hệ thống thông tin giám sát của Công ty Tư vấn công nghệ Green Field đã giới thiệu một số sản phẩm công nghệ 4.0 mà ông đang nghiên cứu và áp dụng tại một số tỉnh/thành, bao gồm: Quản lý rừng quy mô quốc gia và quy mô cấp tỉnh; Tự động hóa việc đánh giá mất rừng qua hình ảnh vệ tinh; Điều tra, đánh giá, giám sát các hoạt động hiện trường bằng mobile app; IoT áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường… Nổi bật là hệ thống trạm đo chất lượng nước nuôi thủy sản. Hệ thống quan trắc môi trường nước này có tính năng quản lý thông minh với đa chế độ full, bình thường, tiết kiệm. Với hệ thống tự động vệ sinh, tẩy rửa cảm biến giúp giảm tần suất bảo trì còn 6 tháng/lần.

     “Từ những giải pháp trên, nhà Nước ta cần thay thế dần hạ tầng server truyền thống bằng hạ tầng điện toán đám mây. Còn các doanh nghiệp tự khắc có nhu cầu nâng hệ thống lên 3.0 và 4.0 nếu đã từng sử dụng công nghệ 1.0 và 2.0.”, TS. Hoàng Việt Anh cho hay.

     PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh - Giảng viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vai trò của công nghiệp 4.0 trong giám sát, phân tích và mô hình hóa ô nhiễm không khí. Hiện tại, các ứng dụng công nghệ 4.0 như vạn vật kết nối (IoT), điện toán đám mây (The Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm tốt vai trò giám sát và phân tích ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, hệ thống AI giúp lập bản đồ phân bố ô nhiễm bụi mịn PM25 toàn quốc bằng phương pháp học máy thống kê. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao lưu, chia sẻ, hợp tác giữa chính quyền, nhà nghiên cứu/phát triển ứng dụng, người dân, vì một môi trường không khí xanh và sạch.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn