Banner trang chủ

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

04/05/2024

    TP. Hồ Chí Minh là địa phương khởi động thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn sớm nhất cả nước (từ năm 2011) và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại Thành phố đang tiếp tục bám sát các quy định của Luật BVMT năm 2020 để triển khai thực hiện công tác này.

    Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đã được địa phương triển khai thí điểm từ năm 2011 tại hệ thống các siêu thị, công ty trong Khu Công nghệ cao (Quận 9) và Khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7). Đến năm 2013, Thành phố mở rộng thí điểm tại một số cụm dân cư trên địa bàn Quận 1, sau đó là tại một số hộ dân trên địa bàn các Quận: 1, 3, 5; phường 12, Quận 6; Quận 12 và Bình Thạnh trong giai đoạn năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Luật BVMT năm 2005 và năm 2014 chưa quy định cụ thể nguyên tắc phân loại CTRSH tại nguồn mà tùy theo điều kiện cụ thể về công nghệ xử lý, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển sau phân loại mà các địa phương quyết định cách thức phân loại tại nguồn. Từ hiện trạng của công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng trên địa bàn Thành phố, Sở TN&MT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 về Kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại các hộ gia đình. Rác được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ (để sản xuất phân compost); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

    Sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, mở rộng quy mô hoạt động phân loại rác tại nguồn đã có nhiều bất cập từ công tác thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 4/5/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý CTRSH trên địa bàn thành phố. Theo đó, CTRSH được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái chế và nhóm chất thải còn lại. Cùng với đó, Sở TN&MT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phân loại CTRSH. Kết quả công bố của Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 cho thấy, trên 85% người dân của Thành phố đã hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc phân loại CTRSH. Thành phố cũng dần hình thành và phát triển thị trường thu gom, tái chế CTRSH, góp phần giảm áp lực trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển các nhóm CTRSH phát sinh sau phân loại.

    Đặc biệt, để triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020, ngày 2/11/2023, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Hiện tại, Bộ TN&MT cũng đang xây dựng quy trình thu gom, định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải sau phân loại.

    Thực hiện Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT của Bộ TN&MT và qua thực tế triển khai, để chuyển đổi từ việc phân loại CTRSH từ 2 nhóm sang 3 nhóm theo Luật BVMT năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở TN&MT đã yêu cầu các địa phương tập trung trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển CTRSH để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp; rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.Mặt khác, Thành phố sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom, tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Trần Tân

Ý kiến của bạn