Banner trang chủ

Thị xã Sơn Tây: Đích đến không phải là điểm dừng trong xây dựng nông thôn mới

14/11/2020

    Ngày 14/11/2020, thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) vinh dự đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) năm 2019. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Được công nhận hoàn thành xây dựng NTM sẽ là bước tạo đà vững chắc cho cấp ủy, chính quyền các cấp của thị xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đặc biệt là phát huy quyền, vai trò chủ thể của người dân trong các phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước để phục vụ lợi ích người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thị xã Sơn Tây nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019

    Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cả vùng. Thị xã có 6 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gồm: Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ và Kim Sơn, trong đó xã Sơn Đông được chọn làm điểm từ năm 2010. Xuất phát điểm xây dựng NTM của thị xã thấp, với nhiều khó khăn, thách thức: Cả 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất; Chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển khu dân cư; Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; Số tiêu chí đạt và cơ bản đạt của các xã thấp, chỉ từ 3 - 5 tiêu chí; Thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp (16,7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao (8,86%), lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp; Kinh tế tập thể tuy đã được quan tâm nhưng phát triển chậm và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, địa hình chủ yếu của các xã là đất đồi gò, bán sơn địa, ruộng đồng manh mún, khó canh tác… cũng là tác nhân làm giảm tiến độ xây dựng NTM.

100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn tại Sơn Tây đã được nhựa hóa, bê tông hóa

    Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thị xã Sơn Tây đã đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM. Đến nay, 6/6 xã đều đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% giao thông được cứng hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 89,73% số người dân trên địa bàn thị xã tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của thị xã chỉ còn 0,3% (thấp hơn bình quân chung của thành phố là 0,42%); thu nhập bình quân đến hết năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm... Đặc biệt, đến nay, thị xã đã nhựa hóa, bê tông hóa hơn 58 km đường trục xã, liên xã (đạt 100%) theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa 129,2 km (đạt 100%); đường ngõ xóm có 124,24/126,74 km được bê tông hóa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi, bảo đảm vận chuyển hàng hóa (đạt 100%). Các tuyến đường trên địa bàn được quan tâm đầu tư, không chỉ tạo ra diện mạo mới, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc BVMT.

Lực lượng vũ trang Sơn Tây chung sức xây dựng NTM

    Cùng với đó, các lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thị xã đã triển khai Dự án “Đánh giá và lập báo cáo công tác BVMT thị xã Sơn Tây năm 2020”; xây dựng kế hoạch và triển khai phương án vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường cho vùng ảnh hưởng xung quanh Khu xử lý chất thải Xuân Sơn; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại 15 xã, phường về việc thay thế và loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường, kết quả bước đầu đã giảm được 176/551 bếp. Trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong.

    Ngoài ra, để bảo đảm các vùng sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, thị xã Sơn Tây tập trung quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển trang trại, gia trại, vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả… Đồng thời, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, thị xã có 21 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, 18 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 3 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Các hợp tác xã đều đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển thuận lợi, thị xã còn quan tâm, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững. Điển hình như Tổ hợp tác nuôi ong mật Kim Sơn thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kim Sơn đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mật ong; Hợp tác xã Chăn nuôi và Thương mại Đào Phương (xã Đường Lâm) với sản phẩm gà Mía…

Vùng trồng cây ăn quả tập trung theo hướng hữu cơ tại xã Cổ Đông giúp người nông dân nâng cao thu nhập

    Xác định chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng, sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thị xã Sơn Tây đã lập kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, năm 2020, phấn đấu có 1 xã (Thanh Mỹ) đạt chuẩn NTM nâng cao, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và nâng cao thu nhập; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân; đảm bảo hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Giai đoạn 2021 - 2025 có thêm từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, thị xã cũng quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị đạt cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

Mai Hương

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội)

Ý kiến của bạn