Banner trang chủ

Thập kỷ liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030

04/05/2021

    Ngày 6/3/2019, tại Nghị quyết số A/RES/73/284, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái (HST). Thập kỷ về Phục hồi HST sẽ chính thức được giới thiệu và khởi động vào Ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6/2021)

    Trong những năm qua, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển đã làm cho các HST trên toàn thế giới bị suy thoái. Theo Báo cáo đánh giá về Đa dạng sinh học (ĐDSH) và dịch vụ HST toàn cầu của Diễn đàn liên chính phủ về ĐDSH và dịch vụ HST (Báo cáo IPBES) được xây dựng năm 2019, ĐDSH có tầm quan trọng với con người, cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14 trong 18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990 - 2015. HST rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015. 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao, trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá.

Biểu đồ: Tỷ lệ các loài được đánh giá là đang bị tuyệt chủng và chỉ số sống sót của loài (Nguồn: Báo cáo IPBES, 2019)

    Tình trạng suy thoái HST toàn cầu đã được ghi nhận và các quốc gia, các tổ chức đang nỗ lực phục hồi HST. Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại Jio de Janeiro, Braxin vào tháng 6/2012, các bên tham gia đã thảo luận về “Một tương lai mà chúng ta muốn có” và nhấn mạnh tầm quan trọng của phục hồi HST đối với phát triển bền vững. Trong khuôn khổ Công ước ĐDSH (CBD), Mục tiêu Aichi được các nước thông qua đã đưa ra 20 mục tiêu về ĐDSH đến năm 2020 nhằm bảo tồn ĐDSH và phục hồi HST trên toàn cầu. Các quyết định của Cuộc họp các bên liên quan lần thứ 12, 13 và 14 của Công ước CBD đều kêu gọi các bên tham gia Công ước xây dựng và thông qua các kế hoạch phục hồi HST. Một số mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững có liên quan đến phục hồi HST cần những hành động khẩn cấp trên toàn cầu nếu muốn đạt được chỉ tiêu đề ra. Kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar giai đoạn 2016 - 2024 cũng bao gồm các mục tiêu về phục hồi HST đất ngập nước nhằm bảo tồn ĐDSH và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Tuy nhiên, HST tiếp tục bị suy thoái nhanh chóng, các HST biển, từ ven biển đến biển sâu, hiện đang chịu những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử bởi các hoạt động của con người dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng. Tốc độ tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu đã tăng lên ít nhất hàng chục đến hàng trăm lần so với tốc độ trung bình trong 10 triệu năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh[i]. Mặt khác, các Mục tiêu Aichi đến năm 2020 gần như đều không đạt được. Trong 20 mục tiêu Aichi, chỉ có 4 mục tiêu có khả năng cao để đạt được, các mục tiêu còn lại được đánh giá là có khả năng đạt được thấp hoặc không đạt được.

    Công ước CBD cũng như Báo cáo IPBES đã nhấn mạnh thế giới cần tiến hành những nỗ lực khẩn cấp ngay bây giờ và hành động hiệu quả để ngăn chặn sự suy giảm HST đang diễn ra một cách nghiêm trọng. Hiện nay, Công ước CBD đang tiến hành xây dựng Khung Chiến lược ĐDSH toàn cầu sau năm 2020 (GBF) nhằm định hướng và đóng góp hiệu quả vào bảo tồn ĐDSH và phục hồi HST trên toàn cầu. Liên hợp quốc cũng quyết định thập niên 2021 - 2030 là Thập niên về Phục hồi HST dựa trên đề xuất của hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là lời kêu gọi của Liên hợp quốc cho các nỗ lực trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái của các HST và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của HST với cuộc sống của con người. Liên hợp quốc cũng khẳng định việc phục hồi và bảo tồn các HST góp phần quan trọng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Khung ĐDSH toàn cầu GBF.

Các loài động vật có vú lớn như voi đang ngày càng vắng bóng

    Tại Nghị quyết, Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia: Tăng cường ý chí chính trị, huy động các nguồn lực, nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để tạo động lực phục hồi HST ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; Lồng ghép việc phục hồi HST vào các chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia từ đó tạo cơ hội cho các HST tăng khả năng thích ứng và cơ hội để duy trì và cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người; Xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch ngăn chặn sự suy thoái HST, phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia; Xây dựng và củng cố các sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả phục hồi HST; Tạo điều kiện để hiệp lực và thống nhất một cách nhìn tổng thể nhằm đạt được cam kết và ưu tiên quốc gia thông qua phục hồi HST; Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong bảo tồn và phục hồi HST.

    Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của Công ước CBD và có sự đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng GBF. Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030. Đây là cơ hội để Việt Nam nhìn lại những nỗ lực về bảo tồn ĐDSH và đặt ra các mục tiêu về quản lý, bảo tồn và phục hồi HST trong giai đoạn tiếp theo.

Trần Huyền Trang

Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2021)

 


[i] Báo cáo Đánh giá ĐDSH và dịch vụ HST toàn cầu của IPBES năm 2019

Ý kiến của bạn