24/06/2022
Hưởng ứng xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), từ ngày 22-25/6/2022, tại Hà Nội, WWF-Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức khóa Tập huấn về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD với sự tham dự của 150 hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) và nhà quản trị lữ hành (NQTLH).
Toàn cảnh khóa Tập huấn về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD
Khóa Tập huấn nhằm đẩy mạnh lan tỏa thông tin nói không với buôn bán ngà voi và sản phẩm ĐVHD nguy cấp, giúp du khách thay đổi hành vi, giảm cầu tiêu thụ, mua bán sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp. Trên tinh thần đó, Câu lạc bộ giao lưu trực tuyến, gồm các thành viên là HDVDL và NQTLH “Nói không với ngà voi và sản phẩm ĐVHD nguy cấp”, sẽ được thành lập ngay sau khi khóa Tập huấn kết thúc.
Tại khóa Tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức về du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD; thực trạng buôn bán trái pháp luật ĐVHD và dẫn chứng về buôn bán trái pháp luật ĐVHD thông qua kênh du lịch; nhận diện những rủi ro liên quan đến hành vi giới thiệu, môi giới mua bán các sản phẩm ĐVHD. Đặc biệt, một số mô hình tốt, bài học hay về thực hiện du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD trên thế giới và Việt Nam.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang dốc toàn lực để nhanh chóng phục hồi, hướng đến mục tiêu trong năm 2022 có thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế, công tác phòng chống vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD lại càng được đặt ra như một vấn đề cấp bách. Phát triển du lịch làm gia tăng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch, và do đó cũng gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên, gây áp lực lên môi trường và hệ sinh thái. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ du khách có xu hướng thích mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD.
Nghiên cứu của WWF và GlobeScan về lệnh cấm ngà voi của Trung Quốc năm 2019 cho thấy, mức tiêu thụ ngà voi tại Trung Quốc giảm sau khi Chính phủ nước này ban hành lệnh cấm buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi. Tuy nhiên, lệnh cấm chưa giải quyết được triệt để vấn đề bởi có sự chuyển dịch mua bán sản phẩm ngà voi của du khách Trung Quốc khi đến tham quan các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Báo cáo cho thấy cứ 10 du khách thì có một du khách cho biết họ có kế hoạch mua ngà voi trước khi đi du lịch tại các nước châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của du lịch Việt Nam trước khi có dịch bệnh Covid-19, chiếm khoảng 5,8 triệu người vào năm 2019. Du lịch mở cửa hơn một tháng qua, nhưng khách Trung Quốc vẫn chưa thể đi du lịch vì quốc gia này đang duy trì chính sách “không Covid”, thực hiện các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống Buôn bán các loài hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Chúng tôi lo ngại những cá nhân, tổ chức tham gia đường dây buôn lậu ngà voi và các loài ĐVHD đang chờ cơ hội để tăng cường hoạt động buôn bán trái pháp luật sau khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Du khách Trung Quốc sẽ tiếp tục đi du lịch và nhiều người trong số họ có nhu cầu mua sắm sản phẩm ngà voi. Trong khi đó, một số HDVDL muốn làm hài lòng du khách và lấy lại doanh thu đã mất trong thời gian dịch bệnh, nên muốn giới thiệu cho du khách mua những sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Nhu cầu này vô tình đẩy họ vào hoạt động mua, bán bất hợp pháp ĐVHD. Nhiều du khách cũng không biết các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác bị cấm mua, bán, vận chuyển ở Việt Nam, nên cũng rất dễ gặp các rủi ro về pháp lý. Từ những lý do trên, WWF-Việt Nam mong muốn phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho HDVDL và nhà quản trị lữ hành về những nội dung liên quan”.
Khác với các khóa tập huấn truyền thống, thông tin được cung cấp một chiều, học viên tham dự Tập huấn lần này được khuyến khích trao đổi, thảo luận nhóm và trình bày quan điểm cá nhân về các vấn đề liên quan đến du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD. Qua tương tác với các chuyên gia bảo tồn, chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, học viên trực tiếp tham gia giải quyết các tình huống thực tế, tự rút ra bài học và cùng cam kết bảo tồn ĐVHD. Thông qua khóa Tập huấn, Ban Tổ chức mong đợi mỗi HDVDL và NQTLH đến từ các công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ trở thành một đại sứ thiện chí thúc đẩy và truyền tải thông điệp về du lịch có trách nhiệm đến với du khách, hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD như ngà voi, sừng tê giác.
Thực trạng buôn bán trái pháp luật ĐVHD và Việt Nam trở thành thị trường trung chuyển và tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới cũng gây suy giảm quần thể loài voi và các loài ĐVHD trong tự nhiên, gây tình trạng rừng “rỗng” không còn bóng thú. Hệ lụy tất yếu dẫn tới mất đi cảnh quan thiên nhiên và các điểm du lịch sinh thái quan trọng. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên mà ngành du lịch đang dựa vào để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với mục tiêu cùng chung tay bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD, góp phần thực hiện du lịch có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên, Câu lạc bộ giao lưu trực tuyến “Nói không với ngà voi và sản phẩm ĐVHD nguy cấp” sẽ được ra đời trên giao diện Zalo. Câu lạc bộ được trực tiếp quản lý bởi những học viên xuất sắc của các lớp Tập huấn, là nơi các thành viên câu lạc bộ có thể trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy thực hiện du lịch có trách nhiệm và bảo tồn ĐVHD.
Nguyễn Hằng