Banner trang chủ

Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

12/04/2024

    UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và BVMT Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Miền tây Nghệ An giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 28/2/2024.

Loài chà vá chân nâu quý hiếm sinh sống tại Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Miền tây Nghệ An

    Được UNESCO chính thức công nhận là Khu DTSQ thế giới vào ngày 18/9/2007, Khu DTSQ Miền tây Nghệ An có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật.

    Mục tiêu của Kế hoạch nhằm bảo đảm các mục tiêu bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, thúc đẩy các hoạt độngBVMT, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu ở Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, góp phần thực hiện trách nhiệm quốc gia trong việc triển khai Chiến lược UNESSCO/MAB 2015 -2025 và kế hoạch hành động LIMA 2016 -2025.

    Theo đó, bước đầu của Kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An giao các đơn vị chức năng thực hiện điều tra, đánh giá về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn, trong đó, điều tra, đánh giá định kỳ 5 năm (2023-2027) về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo 7 tiêu chí công nhận Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An. Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An lần 2. Triển khai thực hiện hiệu quả phương án BVMT theo phân vùng môi trường Khu DTSQ phù hợp với quy hoạch phân vùng môi trường tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

    Nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với mục tiêu BVMT, Nghệ An đặt mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên rừng, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng. Đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ các-bon, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu… nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực miền Tây Nghệ An.

    Đặc biệt chú trọng và quan tâm tới công tác bảo vệ giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng bản sắc văn hóa và tri thức truyền thống. Đồng thời, giữ vững mức độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

    Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng của Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng, cập nhật thường xuyên thông tin vào cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo và thực hiện phòng chống cháy rừng; tăng cường tuyên truyền về các phương án phòng chống cháy rứng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Nâng cao hiệu quả Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện Chương trình chi trả theo tín chỉ các-bon rừng. Bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững cây dược liệu; bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế…

Bảo Bình

Ý kiến của bạn