Banner trang chủ

Sản xuất xanh và bền vững: Hướng đi mới của các làng nghề Hà Nội

01/03/2021

     Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay, nhiều nội dung đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Nhằm tiếp tục tạo chuyển biến căn bản về môi trường tại các làng nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đang thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp đông bộ và cụ thể.

     543 làng nghề bị mai một, nhiều làng nghề ô nhiễm

     Theo số liệu điều tra năm 2020 của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội còn 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. So với kết quả rà soát trước đây, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã và mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển kinh tế làng nghề là kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để BVMT làng nghề trên địa bàn Thành phố, ngày 31/8/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND phê duyệt Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, nhiều nội dung của Đề án đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề, có đến 543 làng nghề đã bị mai một (do không đạt tiêu chí có 10% số hộ làm nghề trở lên).

Không khí ô nhiễm, rác thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường tại các làng nghề

     Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, các làng nghề trên địa bàn Thành phố đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề. Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào tới đầu ra của sản phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, không gian sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các làng nghề hiện nay.

     Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng trong quá trình phát triển ngành nghề nông thôn, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề vẫn gặp không ít khó khăn. Ngoài quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phân tán thiếu bền vững, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, trong đó, giao thông đã xuống cấp; Hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; Hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ; Mặt bằng sản xuất chật hẹp; Nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn… Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn. Trong khi đó, các chính sách, giải pháp để hỗ trợ bảo tồn phát triển làng nghề và khôi phục làng nghề bị mai một còn hạn chế; Nhận thức về bảo tồn, phát triển làng nghề ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; Việc xã hội hóa huy động nguồn lực tham gia vào phát triển làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết về lợi ích của người học nghề nên chưa chuyên cần trong học nghề; Khả năng tiếp thu của các học viên trong học nghề cũng không đồng đều do chênh lệch về độ tuổi, trình độ; Phần lớn học viên là lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn nên vừa học nghề, vừa tham gia lao động, không chuyên tâm tham gia học nghề, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề…

     Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích TN&MT Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề do Sở TN&MT Hà Nội công bố cho thấy, về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 78 làng nghề ô nhiễm; 50 làng nghề không ô nhiễm. Trong đó, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ có 65/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 64/228 làng nghề ô nhiễm; Nhóm làng nghề dệt, nhuộm, ươm tơ có 15/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 7/228 làng nghề ô nhiễm; Nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có 3/22 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 6/22 làng nghề ô nhiễm; Nhóm làng nghề chẻ tăm, chế biến lâm sản… có 16/20 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 2/20 làng nghề ô nhiễm. Về môi trường không khí, có 220/228 làng nghề không ô nhiễm; 8/228 làng nghề không đánh giá tác động môi trường không khí. Về môi trường đất, qua đánh giá, có 6/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 1/228 làng nghề ô nhiễm và 177/228 làng nghề không ô nhiễm; 39/228 làng nghề không đánh giá môi trường đất.

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hà Nội

     Có thể thấy, các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân, vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn (SXSH), hạn chế ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề nên thường tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác BVMT, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải. Trong khi đó, cán bộ môi trường cấp huyện còn thiếu về số lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; Cán bộ chuyên trách về môi trường xã, phường, thị trấn còn yếu, chưa đúng chuyên môn nghiệp vụ môi trường, thiếu về số lượng, không nằm trong biên chế, hưởng mức lương (hệ số 1) quá thấp…

     Xác định khâu then chốt trong phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống

     Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết,trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) xác định rõ chỉ tiêu: Công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; Có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc Danh mục được đánh giá tác động môi trường… Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, song song với việc tham mưu các đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn triển khai trong giai đoạn tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Thành phố về vai trò, ý nghĩa của sự phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức cũng như hành động.

     Để tạo thuận lợi hơn cho phát triển nghề, làng nghề truyền thống, Sở NN&PTNT sẽ chú trọng công tác truyền nghề, nhân cấy nghề và xác định đây là khâu then chốt trong việc phát triển, bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống; Thực hiện xét công nhận Danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống”, hàng năm hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cho trên 20 làng nghề; Tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói cho các sản phẩm làng nghề 20 cơ sở; Hỗ trợ cho trên 20% làng nghề đánh giá tác động môi trường, 10 làng nghề xây dựng phương án BVMT; Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường cho làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xây dựng công trình, trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom, xử lý nước thải tập trung; Khu tập kết chất thải rắn… 

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông

     Sở NN&PTNT cũng sẽ tổ chức, tham gia hội thi, hội chợ sản phẩm thủ công, sản phẩm nông sản và làng nghề; Tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, thợ giỏi phát triển mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng các điểm tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. Ngoài ra, mở rộng kết nối giao thương với các thị trường đích trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của làng nghề, sản phẩm OCOP đã được Thành phố, Trung ương đánh giá phân hạng…

     “Cùng với các giải pháp trên, chúng tôi sẽ tham mưu Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; Xây dự hạ tầng kỹ thuật các làng nghề; Hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi; Hỗ trợ vốn đầu tư, giảm lãi suất vay trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…” -  Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

     Hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững

     Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn Thành phố theo quy định. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức đào tạo theo chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về môi trường cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã. Sau khi kết thúc, học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Về lâu dài, Sở TN&MT xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và BVMT làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội”, trình UBND Thành phố giao sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Sở TN&MT cũng đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các cấp và cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề các nội dung cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác BVMT làng nghề, hướng đến phát triển xanh và bền vững, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương nơi có làng nghề và người dân các làng nghề trên địa bàn.

Nhiều hộ sản xuất ở làng nghề Bát Tràng, huyện Gia lâm đã sử dụng nhiên liệu sạch trong sản xuất gốm

     Bên cạnh đó, xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với BVMT, để phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề truyền thống bền vững, áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những giải pháp quan trọng được Hà Nội tích cực triển khai nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc; Giảm thiểu tai nạn lao động; Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua các mô hình điển hình này, các làng nghề sẽ có biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.

     Huyện Phúc Thọ đã “khâu nối” được các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua mùn cưa tại xã có nghề mộc như: Hát Môn, Long Xuyên; Thu mua vải vụn tại làng nghề may xã Tam Hiệp... nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng... Với làng nghề thu mua đồng nát xã Võng Xuyên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không mua, bán, vứt phế liệu ra môi trường. Hay như làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, từng là một minh chứng về ô nhiễm môi trường tại 4 thôn sản xuất cơ kim khí, 1 thôn làm trống, thôn còn lại sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ. Hơn 5 tháng thí điểm áp dụng công cụ cải tiến 5S - Giải pháp SXSH tại 5 hộ sản xuất, bao gồm 3 hộ chuyên mạ kim loại và 2 hộ đột dập, đã có sự thay đổi rõ rệt. Thực hiện theo 5S, công nhân trong các xưởng sản xuất đỡ tốn công sức khi sản xuất; Khâu di chuyển nguyên, vật liệu được thực hiện nhanh gọn hơn, hạn chế tình trạng rơi vãi hóa chất và sản phẩm trong quá trình sản xuất; Việc xuất, nhập nguyên liệu, sản phẩm cũng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Nhận thấy được hiệu quả của công cụ này, các hộ làm nghề và doanh nghiệp nhỏ đã ký cam kết áp dụng công nghệ sản xuất theo 5S để BVMT.

Sản xuất xanh không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng thủ công truyền thống,

mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới như du lịch, dịch vụ thân thiện với môi trường

     Một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm cũng đã áp dụng SXSH chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Ví dụ, cơ sở sản xuất Đào Việt Bình đã thay đổi công ghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò lung gas hiện đại, góp phần giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 - 5% trong khi trước kia, với lò thủ công, con số này khá cao (khoảng 20%), đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Môi trường làm việc của công nhân cũng được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.

     Có thể nói, khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường, mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải “đúp” cho bài toán kinh tế của các làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. 

Quang Ngọc

(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn