Banner trang chủ

Rừng và Sinh kế: Duy trì sự bền vững cho nhân loại và hành tinh

09/03/2021

     Đó là chủ đề của Ngày quốc tế Động, thực vật hoang dã năm nay (3/3), nhằm nhấn mạnh thông điệp về vai trò của rừng, các loài hoang dã và dịch vụ hệ sinh thái trong việc ổn định sinh kế cho hàng trăm triệu người trên trái đất, đặc biệt là cộng đồng bản địa gắn kết với rừng và sinh sống gần rừng.

     Động, thực vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Mỗi loài hoang dã đều góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên, từ đó hỗ trợ ngăn chặn thảm họa thiên nhiên và điều tiết môi trường. Nhiều loài có khả năng chỉ thị môi trường như chim hoang dã sẽ chọn nơi trong lành để sinh sản, kiếm ăn đúng với câu nói “đất lành chim đậu". Ngược lại, nếu chim hoang dã đã từ bỏ một điểm đến quen thuộc, nghĩa là khu vực này có thể đang chịu tác động của biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường. Do đó, khi một loài biến mất sẽ phá vỡ thế cân bằng, tạo phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến các loài khác, bao gồm cả con người.

     Theo Báo cáo Sức sống hành tinh 2020 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, trong chưa đầy nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm.

     Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cùng tổ chức phi Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật. Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, năm 2020 đã có hơn 1100 cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, tịch thu và tự nguyện chuyển giao đến trung tâm cứu hộ. Trong đó, 436 cá thể chim, 362 cá thể rùa, 120 cá thể khỉ, 15 cá thể rùa biển và nhiều loài động vật hoang dã khác…

     Đối với thực vật hoang dã, các công tác bảo tồn cũng được triển khai và thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt trong việc bảo tồn rừng, mô hình bảo vệ rừng kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng được áp dụng tại nhiều địa phương đa mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng rừng được nâng cao, nhiều loài thực vật quý hiếm được phục hồi, mang lại hy vọng bảo tồn mới. Ngoài ra, đời sống người dân cũng được nâng cao, cải thiện diện mạo của nhiều địa phương. 

     Ngày quốc tế Động, thực vật hoang dã năm nay một lần nữa nhắc nhở người dân trên toàn thế giới về trách nhiệm đối với tự nhiên. Thiên nhiên là điểm tựa để tạo ra sinh kế cho nhiều cộng đồng, nhưng đổi lại, con người cần học cách trân trọng, bảo vệ món quà này không chỉ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.

Châu Loan

     Ngày 20/12/2013, tại phiên họp thứ 68, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đã tuyên bố lấy ngày 3/3 - ngày ký Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1973, là Ngày quốc tế Động, thực vật hoang dã của Liên hợp quốc để kỷ niệm cũng như nâng cao nhận thức về các loài động vật và thực vật hoang dã trên thế giới. Trong Nghị quyết của mình, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ động thực vật và tái khẳng định giá trị nội tại và những đóng góp khác nhau của động vật hoang dã.

    Một số chủ đề Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới của các năm trước: "Duy trì mọi sự sống trên trái đất" (2020), "Cuộc sống dưới nước: vì con người và hành tinh" (2019), "Mèo lớn - những kẻ săn mồi đang bị đe dọa" (2018), "Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ "(2017)…

 

 

Ý kiến của bạn