01/12/2020
Khởi động từ tháng 11/2020, chiến dịch “Rivers for Recovery” - lời kêu gọi toàn cầu Bảo vệ sông ngòi vì sự phục hồi xanh và công bằng hậu đại dịch đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới. Chiến dịch do Tổ chức Sông ngòi Quốc tế phối hợp với Liên minh sông ngòi không biên giới và Mạng lưới toàn cầu của các nhà hoạt động địa phương phát động.
Chiến dịch được triển khai trong bối cảnh hoạt động xây dựng đập thủy điện ngày một gia tăng tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dưới chiêu bài phục hồi kinh tế “xanh”. Các dòng sông và hệ sinh thái nước ngọt đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ, các động mạch của hành tinh đã bị xây đập, chuyển đổi và ô nhiễm ở nhiều cấp độ, đe dọa một phần ba loài nước ngọt trước bờ vực tuyệt chủng. Do đó, một mô hình mới trong quản lý sông ngòi là rất cần thiết, không chỉ để bảo vệ các nguồn nước quan trọng với cuộc sống và sức khỏe cộng đồng mà còn giúp các quốc gia đang đà phá sản bởi Covid-19 tránh được khoản nợ xấu mới, tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và ứng phó hiệu quả với khủng hoảng khí hậu.
Lời kêu gọi toàn cầu bắt nguồn từ công lý khí hậu và bảo vệ các dòng sông như những huyết mạch quan trọng nhằm củng cố đa dạng sinh học, cung cấp nguồn nước, sản xuất lương thực, hỗ trợ các dân tộc bản địa và các nhóm dân cư đa dạng trên khắp thế giới, thay vì xây đập và làm ô nhiễm chúng vì lợi nhuận và sự phát triển kinh tế.
Lời kêu gọi phục hồi nền kinh tế xanh và công bằng gồm các nội dung: Đình chỉ các đập thủy điện mới là một bước đi cần thiết nhằm hướng tới sự phục hồi kinh tế bền vững và công bằng; Đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo không phải thủy điện, kết hợp với các chính sách tạo điều kiện cho đầu tư có trách nhiệm với xã hội và môi trường; Nâng cấp các dự án thủy điện hiện có để tăng hiệu quả thay vì xây dựng các đập mới; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái nước ngọt và đa dạng sinh học, kết hợp với luật bảo vệ nguồn nước ngọt; Các kế hoạch phát triển năng lượng mới; Các biện pháp bảo vệ các khu bảo tồn trong kế hoạch kích thích và phục hồi.
Tính đến ngày 1/12/2020, Lời kêu gọi toàn cầu đã nhận được sự hưởng ứng từ 130 tổ chức tại 45 quốc gia trên thế giới.
Vũ Hồng