Banner trang chủ

Ra mắt bộ hình ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam

04/10/2023

    Ngày 27/9/2023, tại Hà Nội, Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” của Tổ chức Traffic do Bộ NN&PTNT, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã cho ra mắt bộ hình ảnh truyền thông mới hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trái pháp luật tại Việt Nam. Các tài liệu truyền thông này được thiết kế nhằm hướng tới các nhóm người dùng mục tiêu cụ thể là nhóm thầy thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền.

    Để giúp Việt Nam kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ngày càng gia tăng và có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài hoang dã, Dự án bảo vệ ĐVHD nguy cấp do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Bộ NN&PTNT nhằm hướng tới giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật thông qua gây tác động và thay đổi hành vi người tiêu dùng. Dự án do Ban Quản lý Lâm nghiệp làm chủ dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Tổ chức TRAFFIC và ENV thực hiện.

    Năm 2022, Dự án đã thực hiện khảo sát người tiêu dùng để xác định các nhóm người dùng mục tiêu, tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người tiêu dùng nhằm đề xuất các giải pháp thay đổi hành vi, thông qua các thông điệp và hình ảnh truyền thông phù hợp. Theo đó, Dự án khuyến khích các thầy thuốc y học cổ truyền tiếp tục nâng cao việc sử dụng các dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững, khuyến khích các cá nhân nâng cao sức khỏe thông qua luyện tập thể dục thể thao để thể hiện sức mạnh qua hoạt động thể chất thay vì sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm. Từ nhóm đối tượng này, Dự án tiến tới thúc đẩy vận động xã hội với đối tượng trẻ em và các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, với đối tượng là khách du lịch hay đối tượng trẻ em, Dự án bảo vệ ĐVHD nguy cấp cũng sẽ truyền thông để mọi người nói không với các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật.

    Năm bộ thông điệp và hình ảnh được xây dựng dựa trên các yếu tố về văn hóa địa phương, đã được lấy ý kiến thí điểm với đối tượng khán giả trong nước, tác động tới các động cơ tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật và thúc đẩy vận động xã hội với đối tượng trẻ em và các cơ quan nhà nước đã được giới thiệu, bao gồm:

    Với nhóm thầy thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền: Khuyến khích các thầy thuốc y học cổ truyền nâng cao việc sử dụng các dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững. Với người dùng nói chung: Khuyến khích các cá nhân nâng cao sức khỏe thông qua luyện tập thể dục, thể thao để thể hiện sức mạnh qua hoạt động thể chất thay vì sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm,

    Với khách du lịch quốc tế: Nhấn mạnh tính bất hợp pháp của việc mua các sản phẩm từ ĐVHD được pháp luật bảo vệ tại Việt Nam. Với đối tượng trẻ em: Tận dụng ảnh hưởng của thế hệ trẻ để khuyến khích các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng nói không với các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật. Với cơ quan nhà nước: Nhấn mạnh niềm tự hào dân tộc gắn liền với việc bảo vệ các loài hoang dã của Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt bộ hình ảnh truyền thông mới hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật

    Ban Tổ chức của Dự án mong muốn, các hình ảnh và thông điệp của Dự án sẽ được lan tỏa qua mạng xã hội, truyền thông tới các nhóm đối tượng mục tiêu qua trưng bày ngoài trời tại các điểm có mật độ lưu lượng giao thông cao, các sự kiện tương tác và các sáng kiến kết hợp với các đối tác, bao gồm các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức và Hiệp hội Du lịch cũng như y học cổ truyền. Tài liệu truyền thông được ra mắt lần này được thiết kế nhằm hướng tới các nhóm người dùng mục tiêu cụ thể, dựa trên các bằng chứng về tình trạng tiêu dùng trong nước và các thông tin thu thập được từ khảo sát của TRAFFIC năm 2022 trong khuôn khổ Dự án.

    Theo bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án bảo vệ ĐVHD nguy cấp, việc giới thiệu bộ hình ảnh và sự tham gia của đại diện rất nhiều cơ quan, tổ chức đã nhấn mạnh sự ủng hộ của các bên liên quan cũng như tính thiết yếu của công tác giảm nhu cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật. Sự tham gia của các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn các cơ quan, tổ chức và hiệp hội trong ngành du lịch và y học cổ truyền, cũng truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng các bên đều mong muốn chứng kiến sự thay đổi trong xã hội trong lĩnh vực của mình đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật".

    Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đều lồng ghép khi có các khóa đào tạo, tập huấn để lan tỏa các nội dung quy định mới, hình ảnh tuyên truyền giúp doanh nghiệp tránh việc mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật... Từ đó, các doanh nghiệp có thể thấu đáo cũng như hưởng ứng để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tốt, tăng sức cạnh tranh cũng như nắm bắt được xu hướng của khách hàng ngày càng muốn dùng các sản phẩm xanh, ủng hộ các doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào các chương trình có ý nghĩa xã hội.

    Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình cấp cao của tổ chức phi chính phủ toàn cầu hoạt động trong bảo tồn động thực vật hoang dã, đa dạng sinh học Traffic Việt Nam cho biết: Khảo sát của tổ chức này cho thấy, 8% trong số 863 người được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc mua các sản phẩm từ tê giác, voi hoặc tê tê trong vòng 12 tháng gần nhất; 8% mẫu khảo sát cho biết họ có ý định mua những sản phẩm này trong tương lai. Trong một khảo sát khác với 700 người, có 5,2% trong số người được phỏng vấn đã mua rùa nước ngọt và rùa cạn cho các mục đích khác nhau trong 12 tháng gần nhất, trong đó mua để phóng sinh là mục đích chính, chiếm 43%. Kết quả khảo sát người tiêu dùng đã giúp xác định hành vi để thay đổi và phân khúc các nhóm mục tiêu cụ thể cho sáng kiến truyền thông thay đổi hành vi. Các nhóm này bao gồm các thầy thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền, khách du lịch trong nước và quốc tế, người dùng nam và nữ nói chung.

An Vi

Ý kiến của bạn