12/08/2022
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông cách Thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 180 km, thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Pù Luông gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng rậm nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá những vùng đất mới.
Mấy nét chấm phá KBTTN Pù Luông
Pù Luông theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái ở địa phương có nghĩa là “đỉnh núi cao nhất trong vùng”, nơi cao nhất của đỉnh Pù Luông là 1.700 m so với mực nước biển. Pù Luông đã được công nhận là KBTTN của tỉnh Thanh Hóa vào năm 1999 với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông bao gồm các phần đất thuộc 5 xã của huyện Bá Thước (Thành Sơn, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Ban Công) và 5 xã của huyện Quan Hoá (Phú Lệ, Phú Xuân, Thanh Xuân, Hồi Xuân, Phú Nghiêm). Theo tài liệu của tỉnh Thanh Hóa, rừng nguyên sinh tại KBTTN Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát); 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi); 162 loài chim, 55 loài cá; 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất 158 loài bướm; 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực. Pù Luông từng là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, hiêu sao, gấu ngựa, sơn dương, voọc quần đùi trắng. Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp, tiêu biểu là hang Dơi Kho Mường). Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.
Sức hút Pù Luông
Trong những năm qua, cũng như các nước trên thế giới, du lịch đã trở thành xu thế không thể cưỡng lại của đông đảo người dân Việt Nam. Những miền đất, vùng nước còn hoang sơ, mới, lạ, ít người đến, không gian không xa lắm, đi lại thuận tiện... là xu hướng xu lịch của đông đảo khách thập phương và Pù Luông là địa chỉ đáp ứng được khá đầy đủ các tiêu chí này. Với khí hậu mát mẻ, rừng xanh lưu giữ vẻ hoang sơ, bát ngát, nhiều cảnh đẹp gắn liền với núi, sông, suối, nhiều thửa ruộng bậc thang không thua kém gì Mù Căng Chải (Yên Bái) hay Hoàng Su Phì (Hà Giang)... người dân tộc bản địa thân thiện, mến khách, cởi mở, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Thái, Mường... tạo sức hút để nhiều du khách “xách ba lô” lên đường. Về địa lý, Pù Luông không xa lắm và là điểm kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hoá cũng như một số tỉnh lân cận. Pù Luông cách Sầm Sơn 130 km về phía Tây Bắc; cách Hà Nội khoảng 180 km; cách Tràng An - Ninh Bình chừng 100 km, cách Mai Châu, Hoà Bình 40 km, cách cao nguyên Mộc Châu, Sơn La chừng 100 km. Với một không gian du lịch cùng nhiều địa danh nổi tiếng như: Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, suối Cá Thần Cẩm Lương, Thị trấn Cành Nàng, Tràng An - Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, bản Lác, Mai Châu, cao nguyên Mộc Châu, xa hơn một chút là cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa)... Pù Luông đã và sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hoá. Tính đến hết năm 2021, Pù Luông có 48 cơ sở lưu trú, trong đó có 45 nhà nghỉ sinh thái cộng đồng và 2 cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60%; riêng các ngày lễ, thứ 7, chủ nhật và các tháng 5, 6, 7, công suất phòng luôn đạt 100%. Đáng chú ý, Pù Luông có những cơ sở lưu trú cao cấp như Puluong Retreat, Eco Garden và hiện đang triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, cảnh quan hoang sơ, yên bình, những ngôi nhà sàn đậm bản sắc dân tộc, ẩn hiện trong rừng cây xanh và sương mù, với những cái tên, các hoạt động gây trí tò mò như: Đỉnh Pù Luông, Son Bá Mười, Kho Mường, làng Đôn, khu nghỉ dưỡng Pu Luong Retreat, làng Ươi, làng Tiến Mới, khu thác Hiêu xã Cổ Lũng, chợ phiên Phố Đoàn; những chiếc cọm nước ở bản Chiềng Lau, hoạt động chèo mảng tre trên sông Chàm; du lịch khám phá bằng cách đi bộ, phượt, trải nghiệm và nghỉ dưỡng khiến cho Pù Luông có sức hút rộng rãi và mạnh mẽ du khách gần xa. Chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022 vừa qua, khu du lịch cộng đồng Pù Luông đón tới 7.350 lượt khách.
Pù Luông đối mặt với thách thức về môi trường
Chính những yếu tố thiên nhiên, cảnh quan, môi trường, con người ở nơi đây đã tạo ra sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư, khách du lịch từ khắp mọi nơi đến với Pù Luông đang ngày càng đông. Điều này, tất yếu tạo ra những thách thức mà mảnh đất, con người Pù Luông phải đối mặt trong tương lai. Một trong những thách thức đó là công tác BVMT, cả về môi trường sinh thái và môi trường nhân văn, vì vậy, giữ được môi trường sinh thái và môi trường nhân văn có nghĩa rằng Pù Luông sẽ phát triển bền vững. Dưới đây là một số yếu tố liên quan, gắn bó mật thiết với công tác BVMT ở KBTTN Pù Luông trong tương lai:
Thứ nhất, xác định rõ và quản lý hoạt động để Pù Luông làm đúng vai trò, chức năng của mình. Pù Luông là KBTTN hay là vùng du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng, là câu hỏi dễ trả lời nhưng việc thực hiện thì không đơn giản, thậm chí là cuộc “đấu tranh” giữa các xu hướng, quan điểm khác nhau trong quá trình thực hiện. Ngày 31/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3392/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN Pù Luông giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu chung là “Bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, hệ sinh thái đặc trưng trên núi đá vôi Khu BTTN Pù Luông; gìn giữ, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, BVMT sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước cho các công trình thủy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch cho vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương”. Song song với mục tiêu chung, Quyết định cũng đã đề ra các mục tiêu về môi trường, xã hội, kinh tế...Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra, không chỉ có ở Việt Nam mà tại rất nhiều nơi trên thế giới, là phát triển du lịch thường mâu thuẫn với BVMT sinh thái và cả môi trường nhân văn. Tuy mục tiêu ban đầu đề ra rất có cơ sở khoa học, chặt chẽ, nhưng trong quá trình thực hiện, lợi ích kinh tế do du lịch mang lại, cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan khác, mục tiêu ban đầu không còn được giữ nguyên mà bị lay chuyển, điều chỉnh, nhượng bộ, thậm chí bị lấn át vì lợi ích nhóm, các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Trong thực tế ở Pù Luông những năm qua, xu hướng quan tâm đến việc khai thác lợi thế du lịch, doanh thu du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch... vẫn được quan tâm, tuyên truyền hơn là cảnh báo những hiện tượng xâm hại vùng rừng tự nhiên, BVMT sinh thái, nhân văn của đồng bào bản địa.
Vẻ đẹp thơ mộng và yên bình của KBTTN Pù Luông
Thứ hai, không rõ hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã có quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng, khu du lịch ở Pù Luông hay chưa, nhưng trong thực tế những năm qua, việc xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn thiếu sự quản lý, chỉ đạo thống nhất, thậm chí có những biểu sai sót, không phù hợp, thiếu tôn trọng cảnh quan, tổn hại đến KBTTN. Một số hiện tượng như lấn chiếm đất rừng, đào vàng trái phép trong KBTTN; xây dựng nhà hàng, khách sạn khi trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, chưa có đánh giá tác động môi trường; có công trình buộc ngừng xây dựng, gia hạn đến nhiều lần... chứng tỏ việc quản lý KBTTN ở đây còn có vấn đề. Do đó, yêu cầu, tiêu chuẩn những công trình nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng phù hợp với KBTTN vẫn là câu hỏi đang bị bỏ ngỏ. Hơn nữa, hiện tượng bê tông hóa trong quá trình xây dựng, đưa máy móc lên để đào bới, san ủi đất, làm nền nhà khiến môi trường xung quanh phát sinh tiếng ồn lớn, bụi bặm, làm mất đi cảnh quan xanh mát, yên bình vốn có ở nơi đây. Mặt khác, vì thiếu quy hoạch, không có quy định chặt chẽ ngay từ đầu đã làm mật độ xây dựng quá dày, nguyên vật liệu xây dựng không thân thiện với môi trường đã và đang là thách thức lớn đối với KBTTN Pù Luông.
Thứ ba, tác động của việc mua - bán đất đối với đồng bào dân tộc tại chỗ. Phần lớn các xã ở Pù Luông nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ, tức là các xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng như săn thú, tìm kiếm cây dược liệu quý… ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái rừng. Nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đã và đang đổ về Pù Luông mua, chuyển nhượng lại đất thổ cư, đất nông nghiệp của đồng bào tại chỗ để xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ. Với xu hướng phát triển du lịch, nhất là sức hút của Pù Luông, việc mua bán, sang nhượng đất ngày càng phát triển một cách rầm rộ, kéo theo tình trạng “sốt đất”, tranh mua, tranh bán. Không ít người dân từ những gia đình nghèo khó, có tiền tỷ do bán bán đất, vừa có tiền làm nhà mới, mua sắm đồ dùng gia đình, xe máy, gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Tuy nhiên, mặt trái của động thái này là nguy cơ phá vỡ quy hoạch, tạo ra hiện tượng “xôi đỗ” ở các làng bản, tình trạng lấy đất ruộng, vườn, lấn chiếm đất rừng để làm nơi ở mớiphân hóa giàu nghèo ảnh hưởng đến nếp sống xã hội, Vì vậy, sự chênh lệch thu nhập cao - thấp, dẫn đến sự kỳ thị giữa các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và không kinh doanh. Sự bình đẳng trong c gia đình và không thể tránh được những hiện tượng xã hội tiêu cực khi kinh tế thị trường len lỏi vào các làng bản, ảnh hưởng xấu đến nếp sống yên bình, tình nghĩa đồng bào, anh em, họ hàng với nhau, làm phá vỡ môi trường nhân văn tốt đẹp vốn có trong lịch sử.
Thứ tư, phát triển du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng lượng chất thải do trong quá trình xây dựng, do nhà hàng, khách sạn, khách du lịch thải ra. Một tác động tiêu cực không nhỏ đang làm hại đến KBTTN Pù Luông trước sau cũng phải đối mặt và giải quyết là việc xả rác bừa bãi của du khách. Rác xuất hiện khắp nơi tại Khu Bảo tồn, từ chất thải rắn đến rác khó phân hủy. Dọc các con đường, quanh khu dân cư hiện nay chưa thấy có thùng chứa rác cố định. Hiện nay, do du khách chưa nhiều lắm nên địa phương chưa có đánh giá cụ thể ảnh hưởng từ việc xả rác của du khách, cũng chưa áp dụng phương án, chương trình xử lý rác thải theo Luật BVMT năm 2020, nhưng chắc chắn, việc mất mỹ quan cùng những tác động tiêu cực đến môi trường là điều không tránh khỏi. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ của chính quyền cũng như Ban quản lý Khu Bảo tồn, chính quyền địa phương để vừa phát triển du lịch bền vững những vẫn bảo vệ được nguyên trạng tài nguyên thiên nhiên.
Thứ năm, việc phát triển du lịch đồng nghĩa với du nhập lối sống, cách sống, phép ứng xử, biểu hiện khác nhau của các nền văn hóa sẽ xâm nhập rất nhanh chóng, tác động mạnh mẽ vào mảnh đất và cộng đồng các dân tộc ở Pù Luông. Với hơn 80% dân số là đồng bào Thái, Mường, có thể nói, chính những cộng đồng này đã sản sinh, bồi đắp nên vốn văn hóa đặc trưng cho huyện vùng cao Bá Thước, Quan Hóa trong lịch sử hình thành và phát triển. Làm thế nào để giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, nền tảng của môi trường nhân văn cũng đang là thách thức lớn đối với từng gia đình, từng đồng bào, nhất là thế hệ trẻ ở Pù Luông. Đó là kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng... đều có những nét riêng, độc đáo, đồng thời, việc kiểm soát không chặt chẽ của cơ quan chức năng dẫn đến việc người dân dễ dàng trong việc tiếp nhận văn hóa mới mà không có tính chọn lọc, hay kế thừa, nhất là thế hệ trẻ, khiến giá trị văn hóa cộng đồng không còn tính nguyên vẹn, sẽ làm giảm đi sự hứng thú, đặc sắc khi du khách tiếp nhận. Hiện nay, khi kinh tế thị trường chưa xâm nhập sâu vào đời sống kinh tế - xã hội ở Pù Luông, khách du lịch có thể tự do chụp ảnh phong cảnh, con người, hỏi chuyện đồng bào mà không phải trả tiền. Rút kinh nghiệm nhiều khu du lịch khác, đã từ lâu, các hoạt động đại loại như trên đều được mặc cả trước và được trả tiền một cách sòng phẳng, đó là quy luật của thị trường hay là sự mai một, mất đi một giá trị văn hóa vốn có của đồng bào?
Thiết nghĩ, để Pù Luông mãi mãi là KBTTN và phát triển bền vững, có rất nhiều việc cần phải làm, cụ thể: Các cơ quan chức năng của Thanh Hóa cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng KBTTN và Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, trong đó, cấm bê tông hóa, xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng bằng nguyên vật liệu không thân thiện với môi trường; Đề cao sự quản lý của Nhà nước, trước hết là trách nhiệm của Ban Quản lý KBTTN Pù Luông. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh, khách sạn, nghỉ dưỡng thải chất thải, nước thải bừa bãi, gây ô nhiễm không khí, môi trường nước; có kế hoạch xây dựng khu tái chế, xử lý chất thải một cách lâu dài, khoa học, bảo đảm vệ sinh; tổ chức thu phí lên KBTTN Pù Luông và không cho du khách mang túi ni lông, chất thải không thân thiện với môi trường lên khu nghỉ dưỡng. Đồng thời, quy định và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những biểu hiện phản văn hóa, tuyên truyền, phổ biến văn hóa phẩm đồi truỵ ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lối sống, cách ứng xử truyền thống tốt đẹp của đồng bào, nhất là những tệ nạn xã hội thường diễn ra ở các khu du lịch.
Nhà báo Vũ Lân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)