Banner trang chủ

Phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang

13/11/2020

    Ngày 5/11/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Đây là dịp để chúng ta nâng cao nhận thức về những tác động của chiến tranh và xung đột đối với môi trường, đồng thời thừa nhận tính cần thiết của hành động BVMT trong ngăn chặn xung đột và kiến tạo hòa bình - những điều vẫn diễn ra hàng ngày song lại chưa được chú ý nhiều.

 

 


    Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày Quốc tế phòng, chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang năm nay (11/6/2020), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa xung đột về môi trường. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, ít nhất 40% cuộc xung đột nội bộ trên thế giới có liên quan tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu. Hiện tượng ấm dần lên của trái đất đang có nguy cơ làm tăng thêm áp lực và căng thẳng về môi trường. Môi trường thường trở thành một trong những nạn nhân của chiến tranh, thông qua các hành động cố ý phá hủy hoặc do sự thất bại của chính phủ các nước trong kiểm soát và quản lý tài nguyên thiên nhiên khi xảy ra xung đột.
    Mặc dù biến đổi khí hậu và suy thoái về môi trường không phải là nguyên nhân trực tiếp của xung đột, song những yếu tố này có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột, tác động tiêu cực tới sinh kế con người, an ninh lương thực và bào mòn niềm tin mà người dân dành cho chính phủ… Sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái đang khiến cho những thách thức mà các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương phải đối mặt trong dài hạn và ngắn hạn trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị tác động nhiều nhất.
    Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ ra rằng, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) được đưa ra dựa trên tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, các cuộc xung đột bạo lực đã ngăn cản nỗ lực của các nước để tiến về phía trước. Các nước bị tác động bởi xung đột thường gặp khó khăn hơn và ít có triển vọng đạt được những mục tiêu SDG. Dự báo đến năm 2030, sẽ có tới hơn 80% người nghèo nhất trên trái đất tập trung ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực. Do đó, việc quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái có thể góp phần mang lại hòa bình cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá, giúp các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tiến thêm một bước gần hơn tới SDGs. Tài nguyên thiên nhiên không chỉ là yếu tố quan trọng mang lại nhiều dịch vụ cơ bản cho con người, ví dụ như nước hoặc điện, mà còn có thể trở thành nền tảng để xây dựng niềm tin, chia sẻ lợi ích giữa các nhóm bị chia rẽ.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi sự phối hợp giữa các chính phủ, lĩnh vực tư nhân và các viện nghiên cứu, đồng thời xây dựng năng lực và khả năng chống chịu của mỗi khu vực; khai thác dữ liệu và công nghệ số để phân tích rủi ro và quản lý hợp tác; tăng cường thảo luận về luật pháp và chính sách trong khuôn khổ gắn kết quốc tế…

 

Mai Hương

Ý kiến của bạn