Banner trang chủ

Phát triển du lịch bền vững ở Cù Lao Chàm dựa vào cộng đồng

10/05/2022

    Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, Hội An được xem là một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh Quảng Nam. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin Hội An, tỉ lệ tăng trưởng về du lịch của Cù Lao Chàm tăng dần qua mỗi năm. Để phát triển du lịch bền vững, Cù Lao Chàm cần khai thác các sản phẩm thân thiện môi trường và dựa vào cộng đồng địa phương.

    Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch quốc tế sẽ hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi); sẽ có sự dịch chuyển từ du lịch đại chúng sang các loại hình du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng trong thời gian tới. Mặt khác, Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” coi du lịch và dịch vụ biển là ưu tiên số một trong phát triển kinh tế biển Việt Nam. Là khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG), Cù Lao Chàm được các tổ chức quốc tế quan tâm, trao đổi hợp tác và nghiên cứu giáo dục. Đây là cơ hội để để giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu DTSQTG đến đông đảo bạn bè quốc tế cũng như kêu gọi các dự án tài trợ cho Cù Lao Chàm. Những căn cứ nêu trên là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển du lịch của Cù Lao Chàm trong thời gian tới.

Vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên của Cù Lao Chàm

Tiềm năng và thế mạnh sẵn có

    Cù Lao Chàm sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và có giá trị lớn cả về tự nhiên lẫn nhân văn. Cùng với việc được công nhận là khu DTSQTG vào năm 2009, chính sự độc đáo về địa hình, đa dạng về sinh học đã khiến Cù Lao Chàm trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Quần đảo Cù Lao Chàm nằm trong tổng thể DTSQTG Cù Lao Chàm - Hội An với những đặc trưng về địa lý, địa chất, lịch sử hình thành và một hệ sinh thái rừng tự nhiên độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Cụm đảo là phần kéo dài về Đông Nam của khối đá granit (đá hoa cương) Bạch Mã – Hải Vân - Sơn Trà mà các nhà địa chất học gọi là “phức hệ địa chất Hải Vân - Sơn Trà” được hình thành cách đây 230 triệu năm, là điểm cuối cùng của hệ sinh thái Trung Trường Sơn. Đây là 1 trong 20 hệ sinh thái ưu tiên bảo tồn toàn cầu. Ngoài ra, báo cáo kết quả của dự án Điều tra thành phần loài và xây dựng danh lục thực vật trên cạn tại đảo Hòn Lao thuộc Khu DTSQTG Cù Lao Chàm của Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm và phối hợp với tổ chức GreenViet năm 2017, 2018 bước đầu đã điều tra, xác định được 500 loài thực vật bậc cao trên cạn tại các đảo Cù Lao Chàm. Trong số 500 loài, 81 loài có giá trị sử dụng với người dân, được chia thành bốn nhóm đó là cây lá uống, rau ăn/quả, vật dụng và cây cảnh (trong đó có tới 51 loài thực vật lá uống). Ngoài ra còn nhiều loài động thực vật quý hiếm được phát hiện, bổ sung vào danh mục đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm.

    Nằm trong hệ giá trị văn hóa Hội An, tài nguyên du lịch nhân văn của quần đảo Cù Lao Chàm vẫn giữ được những nét độc đáo và bản sắc riêng có. Các công trình văn hóa lịch sử như chùa Hải Tạng, giếng cổ, miếu thờ tổ nghề yến... vẫn là nơi thu hút đông đảo du khách và nhà nghiên cứu. Nghề yến ở Cù Lao Chàm là một trong năm nghề truyền thống còn lưu giữ tín ngưỡng thờ tổ nghề với đặc trưng lễ giỗ Tổ nghề diễn ra hằng năm. Bên cạnh đó, cư dân Cù Lao Chàm còn bảo tồn tốt nguồn tri thức bản địa, đặc biệt nguồn tri thức trong khai thác hải sản, đi rừng, làm nhà, chữa bệnh, ẩm thực... Dù trải qua những thăng trầm của thời gian, những tri thức bản địa của cư dân Cù Lao Chàm vẫn tạo nên những sản phẩm có giá trị, mang thương hiệu riêng có của xứ cù lao.

    Sự phong phú, đặc sắc của tài nguyên là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Cù Lao Chàm và cũng trở thành đối tượng để cộng đồng người dân Cù Lao Chàm chung tay bảo vệ.

Chú trọng phát triển du lịch bền vững

    Tại Cù Lao Chàm, chính quyền các cấp xác định: Phát triển du lịch Cù Lao Chàm phải nằm trong quy hoạch tổng thể chuỗi kinh tế biển đảo, du lịch đảo của miền Trung và tỉnh Quảng Nam; phát huy lợi thế vốn có của Cù Lao Chàm về đa dạng sinh học, văn hóa, quang cảnh thiên nhiên; khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên rừng, biển, và các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biển đảo.

    Để đáp ứng cho sự phát triển du lịch, Cù Lao Chàm không ngừng xây mới, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất du lịch. Ngày càng có nhiều cơ sở tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch ở Cù Lao Chàm, chủ yếu là các hộ cá thể với tốc độ tăng trưởng bình quân 17,73%/năm. Từ năm 2012 đến 2019, số hộ kinh doanh tăng lên 93%. Hiện nay trên địa bàn xã có 37 cơ sở lưu trú, 18 nhà hàng ăn uống, 7 quán cafe giải khát tại cảng du lịch.

    Đặc biệt, cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm đã tích cực hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động chuyển đổi sinh kế truyền thống sang du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững. Đến nay, Khu DTSQTG Hội An - Cù Lao Chàm là một trong những nơi ứng dụng thành công mô hình đồng quản lý với 4 thành phần: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và cộng đồng. Cộng đồng tại đây tham gia vào tất cả các hoạt động khai thác và quản lý tài nguyên trong Khu DTSQTG với các mức độ khác nhau. Cư dân địa phương cũng tham gia mạnh mẽ vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như: Cù Lao Chàm nói không với túi nilon (từ 2009), phong trào bảo vệ cua đá hay gần đây là nói không với ống hút nhựa… Chính những hành động này của cư dân bản địa đã thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng bền vững và tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch.

    Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách, cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm cũng chủ động nâng cao tri thức, rèn luyện kĩ năng ngoại ngữ và luôn giữ thái độ niềm nở, chân tình khi tiếp xúc với du khách.

Âu thuyền Cù Lao Chàm ngày xã đảo còn đón khách. Ảnh: Chu Mạnh Trinh

Vẫn còn đó những thách thức

    Sự phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế địa phương nhưng cũng gây sức ép lên cơ sở hạ tầng cũng như tài nguyên du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường. Số lượng cơ sở lưu trú ít so với lượng du khách khiến khách đến Cù Lao Chàm không lưu lại dài ngày mà thường chọn quay về trong ngày hoặc sử dụng dịch vụ cắm trại qua đêm. Điều này có nghĩa người dân không được hưởng lợi tối đa từ du lịch. Như vậy cần thiết phải có sự gia tăng cơ sở lưu trú phục vụ khác du lịch. Tuy nhiên, Cù Lao Chàm là quần đảo với độ che phủ rừng cao và đa dạng sinh học lớn, vì vậy bất kì công trình nào khi xây dựng mà không có quy hoạch, xem xét cẩn thận đều sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

    Từ khi du lịch phát triển, nhiều người dân chuyển sang khai thác lá lao, hái rau rừng, đan võng ngô đồng… phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của du khách. Lượng khách gia tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng nguồn lâm, hải sản địa phương tăng. Theo thống kê, khoảng 1000 thân cây ngô đồng, hàng tấn lá lao, rau rừng trong 1 năm cũng như một lượng lớn hải sản để phục vụ trung bình từ 2000 - 3000 khách mỗi ngày đã tạo nên mối lo ngại về sự suy giảm hệ sinh thái, môi trường sống.

    Mặt khác, việc xử lí chất thải ra môi trường cũng là một trong những khó khăn của đảo. Lượng rác thải được xử lí bằng cách đốt và chôn đang bị quá tải. Nước thải gây đe dọa lên hệ sinh thái dưới nước, nhất là rặng san hô. Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa được đảm bảo và du lịch phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết cũng những thách thức cho phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

    Phát triển du lịch theo hướng bền vững với các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và dựa vào cộng đồng địa phương là một trong những hướng đi đúng mà Cù Lao Chàm cần tiếp tục phát huy để tối đa hóa lợi ích của du lịch đồng thời bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa và đa dạng sinh học tại nơi đây.

Tài liệu tham khảo

1. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, 2009, “Báo cáo định kì 10 năm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An (2009-2019).

2. Nguyễn Văn Đính, 2018, “Xu hướng du lịch trong tương lai”, Báo Người lao động https://nld.com.vn/du-lich/xu-huong-du-lich-trong-tuong-lai 20181227212911729.htm.

3. Nguyễn Thị Diệu Hiền, 2017, “Phát triển du lịch Cù Lao Chàm, Quảng Nam”, Luận văn thạc sỹ ngành Quản lý kinh tế, Đại học Kinh tế, ĐHĐN.

4. Phòng Văn hóa - Du lịch thành phố Hội An, 2019, “Số liệu thống kê lượt khách du lịch từ 2014-2019”.

5. Trương Hoàng Vinh, 2019, Báo cáo chuyên đề 7 “Đánh giá sự tham gia của cộng đồng cũng như việc sử dụng tri thức truyền thống và bản địa trong quản lý khu sinh quyển” phục vụ đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG CLC-HA giai đoạn 2009 - 2019.

PGS.TS. Phạm Hồng Long

Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngô Thị Hường, Phạm Thị Lấm

Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn