Banner trang chủ

Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường mỗi dịp Tết đến, Xuân về

26/01/2022

Một nền văn hiến hòa hợp, thân thiện với thiên nhiên, môi trường

    Dân tộc Việt Nam chúng ta có vị trí địa lý, khí hậu, hoàn cảnh, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã làm nên một nền văn hiến độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có đặc điểm nổi bật là sống thân thiện với môi trường, hòa hợp với thiên nhiên. Nền văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước lấy trồng trọt làm phương thức sản xuất chủ đạo, với các đặc trưng cơ bản là: lối sống định canh, định cư; phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết; tôn trọng tới mức sùng bái các yếu tố tự nhiên, hình thành nên tính cách, lối sống hòa hợp với tự nhiên; con người chỉ là một bộ phận bình đẳng với những sinh vật, sự vật, hiện tượng  khác của vũ trụ; mọi sinh vật, hiện tượng, sự vật đều có linh hồn, cùng tồn tại với đời sống con người; sự ưu đãi về mặt tự nhiên cũng như những thảm họa mà nó gây ra càng làm con người gắn bó thích ứng với thế giới tự nhiên. Văn hóa của người Việt đã thẩm thấu sâu vào lối sống của mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, thể hiện rất rõ, nhất là trong phương thức canh tác, trong trang phục, ẩm thực, địa bàn cư trú, kiến trúc và đặc biệt là mang đậm và nổi bật những phong tục tập quán, các lễ hội, cách ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường, giữa con người với nhau. Dù đất nước ta có tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thế nào thì bản chất của nền văn hóa vẫn bị chi phối bởi nền văn minh nông nghiệp, gắn bó và phụ thuộc vào tự nhiên.

Tết nguyên đán - một biểu hiện tiêu biểu nhất của văn hóa Việt Nam và văn hóa môi trường

    Nguyên nghĩa của chữ “Tết” xuất phát từ chữ “Tiết”. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp mà từ xa xưa đến nay, người nông dân phân thời gian trong năm thành 24 tiết khác nhau. Ứng với mỗi tiết có một thời khắc “giao thời”, trong đó, tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, sinh sôi là Tiết Nguyên Đán. Nếu gọi một cách đầy đủ theo dân gian thì Tết nguyên đán là “Tết Cả”. Nguyên có nghĩa là “đầu tiên”. Đán có nghĩa là “buổi sớm”. “Nguyên Đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của một năm mới. Tết Nguyên đán ở nước ta kéo theo một loạt các lễ nghi, phong tục tập quán rất đa dạng phong phú, vô cùng hữu ích, trong đó tập trung vào hai khía cạnh chính là: mối quan quan hệ giữa con người với thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người.

    Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ông cha ta đã có câu nói lên sự quan trọng về sản xuất nông nghiệp: “Nhất sĩ nhì nông/Hết gạo chạy rông/Nhất nông nhì sĩ”.  Người ta nương theo chu kỳ của cây cối, cây trồng để tính toán thời vụ cho mùa màng tốt tươi: Xuân sinh” tức là mùa Xuân sinh sôi, Xuân là Sinh mà Xuân cũng có nghĩa là Xanh: “Cái hoa Xuân nở, cái lá Xuân xanh/Ai muốn chiết cành hãy đợi mùa Xuân”. Bắt nguồn từ quan niệm con người phải “nhờ” vào sức mạnh siêu nhiên là trời - đất - mưa - nắng: "Ơn trời mưa nắng phải thì/Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu/Công lênh chẳng quản lâu đâu/Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng/Ai ơi! đừng bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”, người nông dân coi Tết Nguyên đán là dịp để tưởng nhớ, cúng tế các vị thần linh có liên quan đến sự được-mất của mùa màng như Thần Mặt Trời, Thần Đất, Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Nước, Thần Núi, Thần Sông, Thần Suối, Thần Rừng, Thần Cây... Người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm... Lễ tiễn “Ông Táo chầu Giời”, người ta mua cá chép sống rồi thả “phóng sinh” xuống sông suối, ao hồ. Nét biện chứng ở đây là từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng cây Nêu. Cây Nêu mang ý nghĩa phổ quát của cây Vũ Trụ, còn gọi là cây Mặt Trời. Để xã hội hài hòa và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết mọi công việc làm ăn đồng áng, buôn bán, cũng tạm dừng. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với “cái chết tạm thời” của vũ trụ. Tết Nguyên Đán thực chất là “Tết của nhà nông”. Chợ quê là bức tranh sinh động nhất của nền văn hóa nông nghiệp. Hầu hết các vật phẩm, lễ lạt dùng trong dịp Tết trong các gia đình, nơi linh thiêng, đến chùa, miếu mạo... đều là sản phẩm của nền nông nghiệp trồng lúa nước, chế tác ra các loại bột. Bánh chưng, bánh dày, bánh tét, những hoa trái, đặc biệt là “mâm ngũ quả” đặt lên bàn thờ, dâng lên tổ tiên, những mâm cỗ cúng thần linh, thổ địa toàn là sản phẩm nông nghiệp. Chuẩn bị cho những ngày Tết, đó là trồng cây nêu, gói bánh chưng, bánh tét, trang hoàng nhà cửa, quét vôi cho các gốc cây, thậm chí còn vẽ thành những hình cung nỏ trong ngõ nhà để phòng đuổi ma trong đêm trừ tịch, bảo đảm an ninh xóm làng. Vào thời điểm giao thừa hoặc thời khắc đầu tiên của năm mới, bên cạnh mâm cỗ cúng gia tiên, bao giờ cũng có một mâm cỗ ngoài trời, cầu cho trời, đất phù hộ độ trì, các vị thần linh phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người, muôn loài bình an, quốc thái dân an.

Cây Nêu ngày Tết trong văn hóa Việt Nam

    Quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người là nhu cầu không chỉ cần bảo đảm đầy đủ, an toàn về vật chất mà còn thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao về yếu tố tinh thần. Tết Nguyên Đán còn được gọi là cái “Tết nhân văn”. Dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đã là người Việt Nam đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, được sống lại với không khí mùa Xuân đầy sức sống và thơ mộng. Nét phấn khởi, thân thiện, chan hòa, tình làng, nghĩa xóm, họ hàng, thân thích là không khí chủ đạo của ngày Tết. Trong những ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người ta sẵn sàng bỏ qua, xí xóa cho nhau mọi. Vì thế người ta nói: Tết Nguyên Đán là Tết đoàn kết cộng đồng. Ngày Tết đầu Xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm, cộng đồng được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri...“Mồng một thì Tết nhà cha/ Mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một  vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng, đầy đủ màu sắc, hương vị. Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ, làm cho con người trở nên hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với gia đình, gắn bó với người thân của mình hơn bao giờ hết. Đó là những biểu hiện phong phú, đa dạng và sâu sắc của văn hóa môi trường mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Phát huy và nhân rộng văn hóa sống hòa hợp với thiên nhiên, thân thiện với môi trường của các dân tộc thiểu số

    Nói đến ngày Tết, mùa Xuân đất nước dưới góc độ bảo vệ môi trường, sẽ thiếu sót nếu như không đề cập đến truyền thống tốt đẹp, phong tục giữ rừng, bảo vệ thiên nhiên, sống hòa hợp với môi trường của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Phần lớn các DTTS của nước ta sinh sống ở vùng rừng núi, nơi phên dậu của Tổ quốc, tuy có những thế mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương, rơi vào cảnh nghèo đói, kiệt quệ, nếu như tự nhiên, môi trường bị tàn phá, thiên nhiên nổi giận. Mùa Xuân là mùa của lễ hội, đồng bào cúng tế các đấng siêu nhiên, các vị thần cai quản rừng, núi, sông suối, ao hồ, cây cối, muông thú, vật nuôi. Hầu hết các DTTS ở nước ta đều có chung một nét văn hóa hướng về thiên nhiên, môi trường, về các vị thần linh cai quản lãnh địa. Đồng bào cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, ít thiên tai, dịch bệnh, ngô, thóc đầy nhà, con người no ấm, yên vui, hạnh phúc. Đây chính những nét độc đáo của văn hóa môi trường được củng cố, duy trì từ đời này sang đời khác. Dưới khía cạnh văn hóa, đồng bào luôn luôn hướng tới và tuân thù, điều hòa các mối quan hệ, ứng xử giữa con người với thiên nhiên, con người với con người với muôn loài, vạn vật, con người với con người. Loại bỏ các yếu tố tâm linh, xét dưới khía cạnh văn hóa môi trường, nhiều lệ tục của đồng bào DTTS lại văn minh hơn so với nhiều người ở đồng bằng, nơi phồn vinh, đô thị. Do vậy, chúng ta cần có những dự án, chương trình nghiên cứu nhằm củng cố, nhân rộng những điển hình tốt, mô hình hay, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, bổ sung kho tàng quý báu về sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.

    Chúng ta đang trong quá trình xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mai sau, dù có văn hóa có “tiên tiến” đến đâu chăng nữa thì gốc gác, căn cốt của nền văn hóa dân tộc vẫn luôn luôn tồn tại và chi phối nhiều mặt đời sống xã hội. Đó chính là nền văn hiến được xây dựng, phát triển trên có sở nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước mà bản chất của nó là sống hòa hợp, tôn trọng tự nhiên. Phải chăng là một khía cạnh của “đậm đà bản sắc dân tộc” trong nền văn hóa nước nhà?

    Trong mấy năm gần đây, có xu hướng và ý kiến muốn gộp Tết nguyên đán vào Tết Tây cho tiện lợi. Hiện nay, tình trạng “nhạt” Tết nguyên đán, sao nhãng việc thờ cúng tổ tiên đã xảy ra ở chỗ này, chỗ khác, người này, người khác. Xét dưới góc độ văn hóa thì “Tết” là biểu hiện độc đáo của văn hóa Việt Nam mà cụ thể là văn hóa môi trường, không phải dân tộc nào cũng có được, và phải trải qua hàng nghìn năm mới xây dựng, bồi đắp nên. Từ bỏ các truyền thống tốt đẹp, các giá trị văn hóa, tức là từ văn hóa, đánh mất dân tộc. Bởi vì, suy cho cùng, văn hóa còn nghĩa là dân tộc còn và ngược lại.

    “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói đó của Bác Hồ cùng với Tết trồng cây đã đi vào lịch sử và đang trở thành một phong tục tập quán trong thời đại mới. Trồng cây và trồng người là hai công việc tối quan trọng trong quá khứ, ở hiện tại và mãi mãi mai sau. Tiếp thu các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới, Bác Hồ là người đi tiên phong trong xu hướng sống hòa hợp, thân thiện với thiên nhiên, môi trường, Người đặt nền móng cho văn hóa, đạo đức môi trường Việt Nam. Vấn đề văn hóa, đạo đức môi trường Hồ Chí Minh cần được quan tâm, nghiên cứu, tuyên truyền để trở thành lối sống, lẽ sống của mỗi chúng ta.

    Củng cố, nhân rộng các điển hình hay, các phong tục tập quán tốt đẹp mang đượm màu sắc tâm linh của các DTTS, thậm chí cả các dân tộc rất ít người, trong việc giữ rừng, thờ cúng các đấng thần linh để sống hợp với thiên nhiên, môi trường. Rừng chính là chiếc “áo giáp” của đất nước, góp phần hạn chế thương tích do thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sa mạc hóa, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. “Chìa khóa” cho sự hòa hợp giữa hai bên là con người phải trân trọng, yêu thương tất cả các loài và được giáo dục sâu sắc về môi trường. Biết trân trọng sẽ không phá hủy, để cho mọi loài có quyền được sống, được hiện diện, tự do giống như con người. Sự giáo dục về môi trường là chìa khóa giúp con người giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhưng không thể giáo dục cho người khác nếu bản thân không có sự hiểu biết và làm gương. Đó là những gì chúng ta có thể rút ra khi tiếp xúc với đồng bào DTTS làm tốt công tác giữ gìn, bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên.

    Cải tiến, đổi mới Tết nguyên đán thành “Tết nguyên đán xanh” là xu hướng tất yếu sẽ diễn ra trong tương lai. Cả nước ta có tới hơn 8000 lễ hội diễn ra suốt năm, trong phạm vi cả nước. Làm cho tất cả các lễ hội này trở thành những “Lễ hội xanh” cùng xu hướng tất yếu “tư suy xanh”, “lối sống xanh” , “tăng trưởng xanh”, “khoa học, công nghệ xanh”, “nông nghiệp granic”, “kiến trúc xanh”, “du lịch xanh”, “trải nghiệm xanh”... sẽ góp phần làm nên nền “kinh tế xanh” mà gốc gác của nó là một nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước được tổ tiên chúng ta xây dựng, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.

                                                Nhà báo Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn