Banner trang chủ

Phát hiện cá thể rùa đầu to ở Quảng Nam

11/04/2024

    Ngày 10/4/2024, trong lúc đi tuần tra, bảo vệ rừng, các thành viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy số 4 (đóng tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện một con rùa bị mắc kẹt vào dây rừng tại một khe suối ở xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My). Sau đó, các nhân viên của bảo vệ rừng đã giải cứu chú rùa, kiểm tra tình trạng sức khỏe và thả về môi trường sinh trưởng tự nhiên.

    Cá thể rùa nặng gần 1 kg, dài khoảng 20 cm, chiều dài đuôi dài gần bằng với thân, đầu được phủ bởi các mảng sừng rất cứng không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc giống mỏ vẹt. Đây chính là đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to. Loài này sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm với độ cao trên 600 m so với mặt nước biển ở các khu rừng tự nhiên từ miền Bắc đến hết miền Trung và Tây Nguyên. Ban ngày, chúng thường ẩn nấp dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, ban đêm mới đi tìm thức ăn gồm động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ. Khi trưởng thành rùa đầu to có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20 cm.

    Rùa đầu to được liệt kê vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới do bị khai thác, buôn bán quá mức, nếu không ngăn chặn, loài này sẽ biến mất trong tương lai gần. Ở Việt Nam, rùa đầu to thuộc nhóm IB trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt, các hành vi xâm hại liên quan đến rùa đầu to sẽ bị xử phạt rất nặng.

    Rùa đầu to (danh pháp hai phần: Platysternon megacephalum) là một loài động vật phân bố tại các vùng núi ở một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc . Đây là loài duy nhất trong họ Platysternidae thuộc bộ rùa Testudines . Đặc điểm nhận dạng của rùa đầu to là chúng có đuôi rất dài (bằng chiều dài thân), đầu (được phủ bởi các mảnh sừng rất cứng) không thụt vào mai được, hàm trên tạo thành móc (chính vì thế nên chúng còn được gọi là rùa mỏ vẹt), xương sọ đặc và dày. Rùa đầu to sống ở các khe suối trong rừng, nơi nước trong và chảy chậm. Ban ngày chúng ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng trên bờ suối, chúng đi tìm mồi lúc sẩm tối hoặc ban đêm. Thức ăn của chúng là động vật không xương sống, các loài thân mềm hoặc động vật giáp xác nhỏ. Khi trưởng thành rùa có thể đạt kích thước mai khoảng hơn 20 cm.

 

    Ở Việt Nam, rùa đầu to nằm trong danh mục bò sát của Vườn quốc gia Hoàng Liên, Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn Tây Yên Tử, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Tam Đảo và phân bố ở cả khu vực miền Trung (Quảng Trị) vào đến Tây Nguyên. Đây là loài rùa có phân bố rộng ở lưu vực suối trong các khu vực rừng núi đá vôi, tuy nhiên số lượng lại hạn chế do đặc tính sinh sản. Hiện nay số lượng loài này đang suy giảm nghiêm trọng do rừng nguyên sinh mất dần (ít gặp chúng trong các khu rừng thứ sinh) và đặc biệt là do tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài. Ngay cả nỗ lực bảo tồn và sinh sản loài này của Chương trình bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương cũng gặp khó khăn. Rùa đầu to có tên trong Sách đỏ động vật Việt Nam, với mức độ đe dọa hạng R.

    Các phân loài:

    Platysternon megacephalum megacephalum: Được tìm thấy ở Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hong Kong...)

    Platysternon megacephalum peguense: Được tìm thấy ở Myanmar, Thái Lan, Việt Nam.

    Platysternon megacephalum shiui: Được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam, Campuchia, Lào.

    Platysternon megacephalum tristernalis: Được tìm thấy ở Vân Nam (Trung Quốc).

    Platysternon megacephalum vogeli: Được tìm thấy ở vùng Tây Bắc Thái Lan (Chiang Mai).

Trần Tân

 

Ý kiến của bạn